Bức tranh du lịch vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
Đã từ lâu, đồng bằng sông Cửu Long được cả nước biết đến với những mỹ từ quen thuộc: tươi đẹp, hấp dẫn, phong phú, đa dạng, sông nước hữu tình, cây lành trái ngọt, lòng người mến khách... Cùng với đó là rất nhiều khu du lịch được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước như: Khu du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ); Khu du lịch Phú Hữu, Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang); Khu du lịch Vinh Sang (Vĩnh Long); Khu du lịch Cồn Thới Sơn (Tiền Giang), Khu du lịch Núi Cấm (An Giang)...
Tuy nhiên, tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang xảy ra tình trạng chậm đổi mới, thiếu liên kết, thiếu quy hoạch chung cho toàn vùng, mạnh ai nấy làm, dẫn đến thiếu hiệu quả, không thu hút được nhiều du khách, thậm chí có nhiều khu du lịch không đón đạt được số lượng khách nên tự đóng cửa dù đã đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất.
Một thực tế nữa đó là các khu du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đều na ná như nhau từ các thiết kế, các loại hình phục vụ đến các món ăn, các trò chơi: hóa trang thành nông dân bắt cá, đi dây, chạy xe đạp qua ao, đạp vịt, câu cá, đi xe ngựa, tắm hồ bơi nhân tạo, hái trái cây vườn... Do vậy, du khách khi tới một tỉnh không còn hứng thú để đến với những tỉnh lân cận trong vùng.
Đáng chú ý là dịch vụ homestay ở các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có sự “sao chép” lẫn nhau, không có sự đột phá riêng ở mỗi điểm, nên dịch vụ này vẫn đang loay hoay tìm khách.
Đổi mới, đa dạng mới thu hút du khách Việt đi du lịch đồng bằng sông Cửu Long
Hiện nay, hầu hết các khu du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long đều đang tăng cường quảng bá các điểm đến, giới thiệu các gói kích cầu, các sản phẩm du lịch mới lạ, sẵn sàng mở cửa đón khách trong tư thế an toàn và phòng chống dịch rất cao gắn với việc nâng cao chất lượng phục vụ; đồng thời, hưởng ứng tích cực các nội dung của chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất cập khi thực hiện chương trình bởi đại dịch Covid-19 đã khiến cho hầu hết các khu du lịch trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long phải đóng cửa hoàn toàn, dẫn đến đời sống của đội ngũ cán bộ, nhân viên vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, do không có nguồn thu nên khả năng duy tu, bảo quản, nâng cấp các thiết chế phục vụ du khách cũng gặp không ít trở ngại. Một số nơi chỉ mới bắt đầu đón khách trở lại vào tháng 5/2020.
Một khó khăn khác đang đặt ra là thời điểm này vào những năm trước là dịp nghỉ hè nên lượng giáo viên, sinh viên, học sinh đến các điểm du lịch rất lớn nhưng năm nay đã vắng vẻ bởi phải tập trung cho việc dạy và học mới đáp ứng kịp chương trình. Do vậy, rất ít khu du lịch áp dụng việc giảm giá vé, thậm chí một số nơi còn tăng giá vé vào cổng, vé vui chơi trong các khu du lịch. Cùng với đó, một số nơi rất lúng túng khi không tìm được những sản phẩm du lịch mới lạ, đặc trưng cho địa phương mình; chậm đổi mới các loại hình vui chơi, giải trí nên không tạo cảm giác thích thú, ấn tượng cho du khách. Ngoài ra, còn rất nhiều du khách vẫn còn tâm lý dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa dừng lại nên chưa lên kế hoạch để đi du lịch trong dịp hè này.
Nhìn từ góc độ nỗ lực khắc phục khó khăn, đã có nhiều khu du lịch thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện nhiều mô hình mới để thu hút du khách như: giảm giá vé khi lưu trú ban đêm; nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên; tổ chức đưa đón miễn phí cho du khách từ các khách sạn đến điểm du lịch. Một số công ty lữ hành giảm giá tham quan trọn gói. Bên cạnh đó, một số nơi tổ chức các mô hình độc lạ như: cắm trại dã ngoại ban đêm, mua sắm hàng hóa tại chợ nổi trên cạn, mô hình homestay trên ghe xuồng, các trò chơi dân gian…
Một thuận lợi rất cơ bản song vẫn chưa được khai thác hiệu quả và đúng thời điểm là việc đi tìm tiếng nói chung để vực dậy tiềm năng du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Trước đó, thành phố Hồ Chí Minh và 13 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thống nhất thành lập “Hội đồng liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng”, nhưng từ sau khi ký kết, các địa phương vẫn chưa triển khai hoạt động nào để hỗ trợ nhau thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói.
Để “Hội đồng liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng” hoạt động hiệu quả thì việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch phải đáp ứng được các yêu cầu quan trọng như: phát huy tiềm năng, lợi thế và giá trị tài nguyên du lịch của thành phố Hồ Chí Minh và 13 địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng; phải giải quyết được việc tổ chức, thực hiện các quy hoạch, không chỉ trong ngành Du lịch mà kể cả tổng thể ngành Giao thông; tạo ra sản phẩm độc đáo hấp dẫn, không chỉ dựa vào điều kiện tài nguyên sẵn có, mà phải có sự đầu tư; tập trung nâng cao nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho lĩnh vực du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Muốn vậy, Hội đồng liên kết phải thực chất và hoạt động có hiệu quả, có thực quyền riêng của mình, có tiếng nói tác động với sự điều hành trên lĩnh vực du lịch tại các tỉnh, thành phố để có được cơ chế phù hợp. Có như vậy thì chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” sẽ thành công như mong đợi.
Bài và ảnh: Trương Thanh Liêm