Đôi nét về du lịch cộng đồng ở Việt Nam
Du lịch cộng đồng đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân tại nhiều địa phương, đồng thời góp phần phát huy thế mạnh văn hóa bản địa. Homestay (đón khách lưu trú tại nhà) là một hình thức du lịch cộng đồng. Loại hình này đã phát triển mạnh ở miền Trung như ở làng cổ Phước Tích - Thừa Thiên - Huế; Hội An có tour “Một ngày làm cư dân phố cổ”, “Một ngày làm người dân làng rau Trà Quế”… Tại đồng bằng sông Cửu Long, homestay cũng phát huy hiệu quả, hấp dẫn khách du lịch bởi mang lại những trải nghiệm đáng nhớ khi du khách được hòa mình vào không gian sống và sinh hoạt của người dân vùng sông nước theo phương châm 3 cùng - “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Bên cạnh các hoạt động mà khách du lịch tham gia cùng người dân, các công ty lữ hành cũng phối hợp với các homestay để tổ chức một số tour đậm chất miền Tây như: “Về quê tát mương bắt cá” tại Cồn Phụng (Bến Tre), “Một ngày làm nông dân” ở Cái Bè (Tiền Giang), “Tây ở nhà ta” (Vĩnh Long)… Ở miền Bắc, du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ tại một số nơi như bản Lác (Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), xã Tả Van (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai)... Du khách sẽ lưu trú tại nhà dân, cùng lao động, nấu nướng, sinh hoạt để tự khám phá những nét văn hóa độc đáo trong đời sống của người dân địa phương.
Tuy đã đạt được những kết quả khả quan nhưng do hoạt động nhỏ lẻ, theo hình thức tự phát, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, lại chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể từ phía cơ quan chức năng nên du lịch cộng đồng chưa thực sự phát triển, thu nhập của người dân làm du lịch cộng đồng còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên.
Điều đáng lo ngại và cản trở nhất đối với cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch là thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và hạn chế khả năng ngoại ngữ để giới thiệu sự hấp dẫn của địa phương mình cho du khách. Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động du lịch còn thụ động, mang tính hình thức. Mặc dù là chủ thể của loại hình du lịch cộng đồng nhưng phần lớn người dân địa phương chỉ là nhân viên thời vụ mỗi khi các công ty lữ hành đưa khách đến, chỉ tham gia vào một số công việc đơn giản như: chèo thuyền, phục vụ các bữa ăn, khuân vác...; còn các công việc chính như hướng dẫn du khách tham quan, lên thực đơn mang tính đặc trưng của vùng miền hay thiết kế các chương trình tham quan lại thuộc quyền của các đơn vị lữ hành.
Như vậy, sự phát triển nhanh chóng của ngành Du lịch đã mang lại cả những cơ hội và thách thức đối với tiến trình phát triển ở Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế là điều rất cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra là lợi ích từ phát triển du lịch đã được phân phối công bằng và nguồn tài nguyên để phát triển du lịch có được quản lý một cách bền vững?
Có thể thấy, tính bền vững trong việc phát triển du lịch cộng đồng là một thách thức lớn không chỉ trong thời điểm hiện nay mà còn cả trong tương lai nếu không có những giải pháp đồng bộ, phù hợp.
Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững
Đối với cộng đồng địa phương
Cộng đồng địa phương, đặc biệt là những người tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch phải tự ý thức một cách nghiêm túc về việc đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách, chất lượng của sản phẩm du lịch không chỉ thể hiện ở giá trị vật chất mà còn ở giá trị tinh thần. Cảm nhận tốt của du khách bắt nguồn từ chính thái độ thân thiện, tiếp đón ân cần, sự am hiểu về môi trường tự nhiên và nhân văn, sự chân thực của cộng đồng địa phương.
Hiệu quả trong quá trình giao tiếp giữa du khách và cộng đồng là sự diễn đạt thông tin một cách chính xác và dễ hiểu. Vì vậy, rào cản về mặt ngôn ngữ cần được khắc phục từ chính sự nỗ lực của những người dân khi triển khai các hoạt động đón tiếp khách du lịch quốc tế.
Để tạo nên những giá trị văn hóa đích thực, cộng đồng địa phương cần nhận thức sâu sắc việc gìn giữ, bảo tồn và thực hiện các thói quen văn hóa một cách đời thường chứ không phải trình diễn văn hóa.
Ngoài ra, cần nâng cấp, sửa chữa điều kiện cơ sở vật chất nhằm đảm bảo những điều kiện tối thiểu về sinh hoạt hàng ngày dành cho du khách, nhưng tránh làm mới hoàn toàn một cách máy móc gây nguy hại cho những giá trị vật chất truyền thống.
Đối với các doanh nghiệp lữ hành
Các đơn vị kinh doanh lữ hành là cầu nối giữa du khách và cộng đồng địa phương. Vì vậy, các đơn vị lữ hành cần đẩy mạnh quảng bá để thu hút du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, các thông tin quảng bá cần rõ ràng, chuẩn xác, tránh lạm dụng marketing quá mức khiến cho du khách hụt hẫng khi tiếp cận các sản phẩm không đúng với những gì được giới thiệu. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh lữ hành cần tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương tận dụng các điều kiện sẵn có để nâng cao thu nhập.
Đối với các cấp quản lý
Các cấp quản lý đóng vai trò đòn bẩy quan trọng, hỗ trợ cho cộng đồng địa phương và các đơn vị kinh doanh lữ hành hoàn thiện và triển khai các hoạt động du lịch.
Xét ở tầm vĩ mô, các cấp chính quyền cần chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch cộng đồng đến với du khách trong nước và quốc tế, tăng cường tổ chức đoàn khảo sát giới thiệu sản phẩm cho các công ty lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa, tăng cường quảng bá du lịch cộng đồng trên các báo, tạp chí, truyền hình trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch, ngoài ra, có thể giới thiệu qua các mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Google Plus hoặc Youtube…
Xét ở tầm vi mô, các cấp có thẩm quyền cần phối hợp khảo sát và đánh giá đúng năng lực của các cộng đồng nhằm phân cấp và dán nhãn chất lượng một cách thường xuyên, công bằng dựa trên một bộ tiêu chí phù hợp.
Đồng thời, các cấp quản lý cần chú trọng đến công tác nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương; hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi cho các gia đình đủ năng lực tham gia du lịch cộng đồng; quản lý một cách chặt chẽ các hoạt động và sản phẩm du lịch nhằm hạn chế các vấn đề tiêu cực và chất chứa các nguy cơ gây tổn thương về mặt kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. UNWTO (2008), Tourism and Community Development – Asian Practices
2. Bùi Thị Hải Yến (chủ biên), 2012, Du lịch cộng đồng, NXB. Giáo Dục Việt Nam.
|
Nguyễn Thị Hồng Nhung