Hội thảo lần này nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Bàn tròn chính sách cao cấp về du lịch bền vững (cấp Bộ trưởng) sẽ được tổ chức vào tháng 6/2017 tại Hạ Long. Hội nghị có sự tham gia của khoảng 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC và các chuyên gia du lịch, diễn giả của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Hiệp hội Lữ hành và Du lịch thế giới (WTTC), Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế châu Âu (OECD), Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), Tổ chức Green Key...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: những năm gần đây hợp tác du lịch các nước APEC luôn được quan tâm đặc biệt. Năm 2015 Du lịch APEC đón được trên 396 triệu lượt khách, chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới; tạo thu nhập trên 598 tỷ USD, chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu, tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp. Các Bộ trưởng du lịch APEC đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 800 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch trong khu vực APEC.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành Du lịch các nước APEC gặp phải không ít thách thức, đặc biệt là thách thức do thiên nhiên mang lại. Biến đổi khí hậu là vấn đề mà toàn cầu đang phải đối mặt và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng; những biểu hiện của nó đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống kinh tế, xã hội của con người.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định: Du lịch vừa là tác nhân lại vừa là nạn nhân của biến đối khí hậu. Sự phát triển du lịch gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu; đồng thời Du lịch cũng là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên, khí hậu. Các nước APEC xác định phát triển du lịch bền vững là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên.
Hưởng ứng Năm quốc tế về Du lịch bền vững 2017 do UNWTO phát động, đồng thời, thể hiện sự chủ động của du lịch APEC trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị bàn tròn chính sách cao cấp về phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tại Hạ Long, tháng 6/2017 và được các nền kinh tế APEC ủng hộ cao.
Hội thảo có ba phiên thảo luận xoay quanh các vấn đề: Chính sách của các nền kinh tế, khu vực APEC và toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu; tác động của biến đổi khí hậu đến du lịch và ứng phó của ngành du lịch; các ví dụ tốt về ứng phó với biến đổi khí hậu của điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách sạn và cộng đồng; dự kiến Khung hướng dẫn của APEC về phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Hội thảo cũng xem xét đề xuất mục tiêu và nội dung cơ bản của Tuyên bố Hạ Long và Khung hướng dẫn về phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 2 văn kiện quan trọng sẽ được các Bộ trưởng du lịch APEC xem xét và thông qua tại Hội nghị bàn chính sách cao cấp về du lịch bền vững sẽ diễn ra tại Hạ Long, Việt Nam tháng 6/2017. Các văn kiện này sẽ tiếp tục được trình lên Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Tố Linh