Dự án “Khí hậu Việt Nam - Hợp tác giáo dục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững tại các vùng đồng bằng của Việt Nam”
Đây là dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ, thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021, tập trung vào giáo dục đại học, sau đại học về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước được củng cố và nâng lên một tầm cao mới. Các trường đại học của Việt Nam (Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Thủy Lợi; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường) cùng với các trường đại học của Hà Lan (Công nghệ Delft; ITC Twente; Khoa học ứng dụng Utrecht) đã hợp tác cùng nhau xây dựng Dự án.
Biến đổi khí hậu và tài nguyên nước là những vấn đề mang tính toàn cầu. Biến đổi khí hậu được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước, an ninh lương thực và nguồn năng lượng. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Tại cả hai đồng bằng lớn của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tài nguyên nước như: quản lý nguồn nước, lũ lụt, quản lý vùng bờ, xâm nhập mặn… Do đó, để quản lý hiệu quả và bền vững nguồn nước, giáo dục đóng vai trò quan trọng nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ năng lực để giải quyết những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, Dự án Dự án “Khí hậu Việt Nam - Hợp tác giáo dục nhằm đạt được sự thay đổi bền vững tại các vùng đồng bằng của Việt Nam” là hợp tác giáo dục trong khuôn khổ Chương trình tri thức Hà Lan, sẽ trở thành một dấu mốc đáng ghi nhận cho sự hợp tác hiệu quả, bền vững giữa hai quốc gia; đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều tổ chức, cá nhân của Việt Nam cũng như Hà Lan, trong đó phải kể đến các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu của hai quốc gia.
Bộ trưởng Bộ cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Cora Van Nieuwemhuizen cho biết, Việt Nam và Hà Lan có sự tương đồng khi cả hai đều đối mặt với các thách thức về biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa và sụt lún đất đai. Địa hình của hai quốc gia đều dựa trên đồng bằng châu thổ, có các điều kiện tự nhiên để trở thành một liên minh ứng phó với biến đổi khí hậu; đều cần nhiều kỹ sư về quản lý nước. Vì vậy, một trong những nội dung của Chương trình khởi động OKP là nhằm nâng cao số lượng sinh viên tham gia học ngành quản lý nước, nâng cao chất lượng và đưa vào chương trình học các nội dung: Cơ chế tài chính, Quản lý dự án... và tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trang bị cho đội ngũ cán bộ quản lý nước những kỹ năng mang tính thực hành, thực tế và kỹ năng phân tích. Ngoài lĩnh vực giáo dục, Dự án OKP còn có nội dung hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu để mang lại nguồn lợi cho cả hai quốc gia.
P.V