
Giảng viên hướng dẫn các học viên tác nghiệp
Nếu chúng ta có dịp tiếp với các thuyết minh viên du lịch tại điểm ở khu vực miền núi phía Bắc thì những hiện tượng như: sống ở nhà sàn dân tộc nhưng không hiểu biết về nhà sàn, là thiếu nữ dân tộc Thái nhưng không giải thích được một phong tục rất phổ biến là “chọc sàn” (hẹn hò với người yêu), hay cả chục lần đi “chợ tình yêu” mà không biết nói gì về lễ hội đặc trưng, là tình trạng tương đối phổ biến. Ta có cảm tưởng họ rất yêu quê hương nhưng ứng xử như “người khách” trên chính quê hương của mình.
Thuyết minh viên du lịch tại điểm, hơn ai hết, cần hiểu rõ về nơi mình phụ trách. Đó chính là sự khác biệt lớn nhất giữa hướng dẫn viên du lịch nói chung với thuyết minh viên du lịch tại điểm, ngoài những khác biệt khác như không gian làm việc và giới hạn trách nhiệm.

Khóa tập huấn nâng cao năng lực thuyết minh viên
Trong khuôn khổ hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, trên cơ sở nhận biết những hạn chế nêu trên, với sự hỗ trợ của dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU), từ ngày 12 - 16/9/2012 tại thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã diễn ra khóa tập huấn thí điểm đầu tiên về nâng cao năng lực cho đội ngũ thuyết minh viên du lịch tại điểm ở khu vực này.
Khóa tập huấn gồm 32 học viên đến từ 5 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Yên Bái, Phú Thọ với nhiều cái “nhất”:
Khóa tập huấn sớm nhất (đầu tiên) trong khuôn khổ hợp tác và hỗ trợ này.
Khóa tập huấn có sự tham dự của nhiều cán bộ lãnh đạo du lịch địa phương nhất (đại diện sở VHTTDL Sơn La, phó giám đốc và trưởng phòng quản lý khu du lịch Mộc Châu). Họ không chỉ có mặt để giám sát khóa học, mà đã vô tình trở thành những học viên dự thính, tham gia rất tích cực, nhiệt tình vào hoạt động của lớp.
Khóa tập huấn có cơ cấu học viên đa dạng nhất về vị trí công tác: hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên du lịch, thuyết minh viên của bảo tàng, nhân viên, cán bộ quản lý khách sạn, khu nghỉ, nhà hàng...

Các học viên đang thực hành nghiệp vụ
Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất mà khóa tập huấn để lại là sự nhiệt tình học hỏi và mong muốn để không phải là “người khách tại chính quê hương mình” của tất cả các học viên. Trên thực tế đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và trình độ trước và sau khóa tập huấn. Nhiều học viên chưa bao giờ đứng và nói chuyện trước đám đông đã vượt qua mặc cảm, e ngại để thực hiện bài thẩm định cuối khóa tại các điểm du lịch Mộc Châu.
Dù không thể kỳ vọng vào một sự thay đổi đột biến từ những khóa bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày như thế này, nhưng những gì thấy được trong và sau khóa học là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng: một khi những học viên tiếp tục nghiên cứu những thông tin được cung cấp và ghi chép trên lớp, được tạo điều kiện đi thực tế với các đoàn khách du lịch, thì chắc chắn họ sẽ sớm trở thành những thuyết minh viên du lịch tại điểm có nghề.
Đỗ Đình Cương