
Ông Chris Benke - chuyên gia quốc tế Dự án EU phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả phân tích thông tin đối chiếu, so sánh giữa bộ tiêu chuẩn VTOS với bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và bộ tiêu chuẩn nghề của ASEAN. Tính đến thời điểm hiện nay, ngành Du lịch đã có một số tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch đó là: tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch (8 nghề), thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về du lịch (MRA) và tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS).
Trong giai đoạn 2004 - 2010, tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) gồm 13 tiêu chuẩn do Dự án Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam tài trợ xây dựng, hiện đang được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo du lịch. Thực tế cho thấy, tiêu chuẩn VTOS rất phù hợp với việc nâng cao chất lượng lao động nghề du lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay VTOS chưa được công nhận như một tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch do cách thức xây dựng và định dạng của tiêu chuẩn chưa tương thích với các quy định hiện hành ở Việt Nam.
Bước sang giai đoạn 2, Dự án EU đã huy động các chuyên gia quốc tế rà soát đánh giá sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn, từ đó đưa ra phương hướng đồng bộ hóa tiêu chuẩn VTOS theo quy định về xây dựng tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch, phù hợp với tiêu chuẩn nghề du lịch do Bộ VHTTDL xây dựng, cũng như tương thích với tiêu chuẩn chung của ASEAN. Trong lần triển khai này, các chuyên gia lựa chọn nghiên cứu tiêu chuẩn Nhà hàng để rút kinh nghiệm rồi từ đó sẽ triển khai rộng rãi đối với các tiêu chuẩn còn lại.
Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định, trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động của Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có môi trường và xã hội, hệ thống VTOS sẽ tiếp tục được kế thừa và phát triển thêm những tiêu chuẩn mới. Dự án sẽ đẩy mạnh việc áp dụng VTOS trong quá trình áp dụng tại các cơ sở đào tạo du lịch cũng như hướng đến những đối tượng khó khăn ở miền núi và các vùng chưa được tiếp cận hệ thống, với mục tiêu phát triển chất lượng nhân lực du lịch chuẩn hóa theo hướng có môi trường và xã hội.
TC