Những kết quả đáng ghi nhận
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các Hiệp hội thuộc cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc đã đẩy mạnh hợp tác song phương, tăng cường liên kết xúc tiến, xây dựng sản phẩm; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thường xuyên trao đổi thông tin, xu hướng thị trường để các hội viên chia sẻ, hợp tác kinh doanh. Hiệp hội du lịch các tỉnh phía Bắc đã tích cực quảng bá tại các hội chợ, triển lãm, lễ hội du lịch. Qua đó góp phần đưa hình ảnh, giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch các địa phương đến với các hãng lữ hành, các công ty du lịch, du khách trong và ngoài nước; tạo cơ hội để các doanh nghiệp du lịch được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hiệp hội du lịch các tỉnh phía Bắc cũng tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, đặc sắc, đặc trưng của từng địa phương, từng vùng, nhằm tạo sức hút đối với du khách khi đến mỗi địa phương được. Các Hiệp hội thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp du lịch chỉnh trang cơ sở vật chất, củng cố lực lượng lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch; giảm giá nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời gia tăng thêm các dịch vụ, tiện ích; bảo đảm các tiêu chí an toàn cho du khách để mỗi địa phương luôn là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Trong 6 tháng cuối năm, cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc xác định tăng cường liên kết giữa các hiệp hội thành viên, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực truyền thông, xúc tiến quảng bá; trao đổi, ký kết hợp tác trao đổi khách du lịch giữa các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch; tích cực hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, liên tuyến; huy động các hiệp hội thành viên, các doanh nghiệp cùng xây dựng các chương trình khảo sát, kết nối các điểm đến thành tour, tuyến du lịch để quảng bá, thu hút khách du lịch, nhằm thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã ký kết. Cùng với đó, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác kêu gọi, giới thiệu, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại các địa phương trong và ngoài cụm; xây dựng kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ thông tin, cung cấp hoạt động đào tạo địa phương mình cho các hiệp hội thành viên; tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị, chương trình, sự kiện du lịch do Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hiệp hội du lịch Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố và các Hiệp hội thành viên trong cụm tổ chức.
Góp sức, tạo đà cho du lịch Bắc Kạn phát triển
Tại Hội nghị, đại biểu cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để giúp cho Du lịch Bắc Kạn nói chung và Du lịch Ba Bể nói riêng phát triển hơn, thu hút nhiều khách du lịch hơn trong thời gian tới. Lãnh đạo Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp đã đề cập đến những tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bắc Kạn; đồng thời chỉ ra một số những điểm còn hạn chế, bất cập của ngành du lịch tỉnh Bắc Kạn. Bên cạnh đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm đưa du lịch Bắc Kạn trở thành ngành kinh tế phát triển bền vững của địa phương.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hôi du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, Bắc Kạn là vùng đất lịch sử lâu đời, có danh thắng hồ Ba Bể nổi tiếng. Trải qua thời gian, vùng đất này còn bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa đặc sắc, cùng với các lễ hội độc đáo như lễ hội Lồng Tồng, hội xuân Quan Hà, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc… Bắc Kạn còn có nhiều hang động đẹp thu hút nhiều du khách quốc tế đến khám phá , trải nghiệm. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch Bắc Kạn còn sơ sài, cần chau chuốt hơn để biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch. Bắc Kạn cũng cần có nhiều nguồn lực cộng hưởng để phát triển du lịch phù hợp với tình hình mới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Hoàng Bình Minh nhận định, việc quản lý, sắp xếp thuyền đón khách khu vực hồ Ba Bể còn bất cập; du khách cảm nhận chưa thực sự an toàn khi lên thuyền đi tham quan. Khi đi thuyền trên hồ các thông tin mà hướng dẫn viên cung cấp cho khách cũng chưa đầy đủ. Bắc Kạn cần tập trung đào tạo đối với đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh có chuyên môn, hướng dẫn về chiều sâu, hướng đến mỗi hướng dẫn viên là một đại sứ về văn hóa, du lịch. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới công tác quy hoạch về đốt lửa trại, nhà cơi nới, xây dựng nhà bê tông không đảm bảo về thẩm mỹ cũng như không phù hợp với cảnh quan, môi trường hồ Ba Bể. Cần sự cộng sinh, chia sẻ trách nhiệm cũng như tăng cường sự liên kết với các chi hội lữ hành, hướng dẫn viên.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Star Travel Ninh Bình Hà Huy Lợi lại tỏ ra băn khoăn về vấn đề quy hoạch để tạo điều kiện cho du lịch Bắc Kạn, cần cải tạo hạ tầng giao thông, dịch vụ; với hạ tầng của Bắc Kạn hiện tại, sẽ “vỡ trận” một khi lượng khách lớn đến với hồ Ba Bể. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn khách sạn Đông Á Trần Nữ Ngọc Anh kiến nghị, tỉnh Bắc Kạn cần xem xét đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, bến thuyền, khu lưu trú và dịch vụ, đường kè hồ phục vụ đi bộ hay đạp xe, khu cắm trại ngoài trời; quan tâm đến các biển chỉ dẫn, giới thiệu cho khách tham quan. Bà Trần Nữ Ngọc Anh cho rằng, Bắc Kạn cũng cần quan tâm đến tập huấn cho nhân sự tham gia vào các khâu trong hoạt động du lịch, làm sao để mang lại trải nghiệm tốt đẹp nhất cho du khách.
Trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tại hội nghị; những ý kiến đã chỉ ra những tiềm năng, thế mạnh, những tồn tại, bấp cập cũng như chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp góp sức thúc đẩy du lịch Bắc Kạn phát triển, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng nhấn mạnh: “Tôi rất mong muốn tới đây, trong quá trình làm du lịch, Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc tăng cường hơn nữa liên kết, hợp tác; tiếp tục tham gia góp ý cho tỉnh Bắc Kạn phát triển; xây dựng thêm tour tuyến tới Bắc Kạn để tỉnh Bắc Kạn trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước”.
Tuấn Sơn