Cụ thể, trong giai đoạn từ 2016 - 2020, tỉnh Hải Dương hướng đến việc nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện ma túy, phấn đấu 100% cán bộ chính quyền các cấp và 80% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp đổi mới dự phòng và điều trị nghiện; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 90% cán bộ tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 100% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và được cấp chứng chỉ; 100% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy có đủ các văn bằng, chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện; nâng tỷ lệ cai nghiện cho người nghiện có hồ sơ quản lý từ 50% vào năm 2015 lên 90% vào năm 2020, giảm dần điều trị bắt buộc tại Trung tâm đến năm 2020 còn 6%; tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng có việc làm lên 70% vào năm 2020…
Để thực hiện tốt đề án trên, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghiện ma túy, dự phòng và điều trị nghiện; xây dựng bộ tài liệu truyền thông về ma túy, nghiện ma túy và các biện pháp đổi mới dự phòng và điều trị nghiện phù hợp với đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và các tầng lớp nhân dân; triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông về dự phòng và điều trị nghiện tới các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về dự phòng và điều trị nghiện; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều trị nghiện, trên cơ sở đó đề xuất các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp; tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách, khuyến khích xã hội hóa đối với lĩnh vực liên quan đến đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của tỉnh; huy động nguồn lực cho công tác dự phòng và điều trị nghiện như: tăng cường hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động sự tham gia của cộng đồng, khuyến khích xã hội hóa công tác điều trị nghiện, tăng cường công tác phối hợp liên ngành và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện…
Theo UBND tỉnh Hải Dương, việc đổi mới công tác cai nghiện ma túy phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện, khả thi, kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội - an toàn xã hội địa phương. Đổi mới theo hướng tăng dần tỷ lệ điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh; giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, việc điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội bị xử lý theo quyết định của Tòa án nhân dân.
Ngành y tế có nhiệm vụ hướng dẫn việc chẩn đoán và điều trị nghiện; nghiên cứu các phương pháp, bài thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn, chống tái nghiện; chủ trì trong việc quản lý, cung ứng và dự trữ thuốc điều trị nghiện; chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS phát triển cơ sở điều trị bằng Methadone thành cơ sở điều trị toàn diện, cơ sở cấp phát thuốc thay thế; phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai mô hình thí điểm điều trị nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở phương pháp điều trị nghiện chăm sóc và phục hồi sức khỏe, người nghiện ma túy tại cộng đồng; rà soát ứng dụng đánh giá các bài thuốc cai nghiện và phương pháp cai nghiện cho người nghiện ma túy phù hợp với điều kiện của tỉnh và các địa phương…
TH