Theo đó, việc tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phải đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực góp phần đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (Trung tâm); tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm với lộ trình phù hợp…
Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện; mới, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe nhân dân; hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Cụ thể, năm 2015 cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 80% cán bộ chính quyền các cấp và 60% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 100% cán bộ tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 50% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo; 100% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện; nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý từ 40,7% (tương đương 186 người/456 người) hiện nay lên 70% vào năm 2015 trong đó, giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại Trung tâm từ 12,8% (58 người/456 người) hiện nay xuống còn 6% vào năm 2015.
Giai đoạn 2016 – 2020, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 100% cán bộ chính quyền các cấp và 80% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, 100% cán bộ tham gia công tác dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 100% cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo; tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý (ước tính dự báo đến năm 2020 khoảng 700 người) đạt 100% vào năm 2020.
Để thực hiện đề án trên, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của cả hệ thống chính trị đối với công tác dự phòng và điều trị nghiện; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về nghiện ma túy, dự phòng và điều trị nghiện; xây dựng chương trình, tài liệu truyền thông về ma túy, nghiện ma túy và các biện pháp dự phòng và điều trị nghiện phù hợp với đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và các tầng lớp nhân dân; triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông về dự phòng và điều trị nghiện tới các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú; tăng cường hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các cơ sở điều trị nghiện để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ; có chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để họ có điều kiện tiếp cận với dịch vụ về dự phòng và điều trị nghiện; huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội hóa công tác điều trị nghiện; khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân tham gia đầu tư, thành lập các cơ sở tư vấn dự phòng và điều trị nghiện, thành lập các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện; khuyến khích Đội công tác xã hội tình nguyện, các tổ chức tôn giáo, các câu lạc bộ, nhóm giáo dục đồng đẳng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người sử dụng ma túy tham gia Chương trình dự phòng và điều trị nghiện…
TH