Nhà thờ “Thần trải”
Làng trải Dương Nỗ cách TP. Huế khoảng 6km, đi qua chiếc cầu bắc ngang sông Phổ Lợi (tục gọi là cầu Chợ Nọ), trước mắt bạn sẽ hiện ra đình làng, nhà thờ trải và nhà thờ 7 họ. Đây là cửa ngõ dẫn vào khu du lịch “Nhà Bác Hồ ở Dương Nỗ” cách đó 200m.
Hiếm có làng nào yêu quý những chiếc trải đua như Dương Nỗ. Trong khuôn viên đình làng và nhà thờ 7 họ, dân làng xây một ngôi nhà cực lớn (vào năm 1808) để thờ các chiếc trải đua, quanh năm hương khói phụng thờ thần trải. Các cụ già thường kể cho con cháu nghe những truyền thuyết về sự linh thiêng của thần trải: “Phụ nữ, trẻ em tuyệt đối không được vào trong khu vực nhà thờ trải. Nếu vi phạm, người đó bị đau ốm liên miên. Còn năm đó trải đua sẽ thua tất cả các giải. Trải đua thất bại thì cả năm dân làng làm ăn thất bát, ruộng đồng mất mùa”...
Mỗi khi dự hội đua về, chiếc trải được tháo rời từng mảng, đưa vào nhà thờ. Đến hội đua mới, các bộ phận trải được đưa ra gian bên phải đình làng, những người thợ lại đóng ghép thành chiếc trải đua. Muốn sắm một chiếc trải đua phải tốn hàng trăm triệu đồng, gồm tiền gỗ kiền, tiền mây rừng, vỏ tràm, tiền công thợ. Mỗi khi có hội đua lại thuê đóng ghép chiếc trải cũng tốn hàng chục triệu đồng. Mê đua trải tốn kém, do đó nhiều làng không có khả năng tài chính để sắm và bảo dưỡng chiếc trải. Mỗi khi có hội đua, những làng không có trải phải đi thuê của làng Dương Nỗ, vận động viên thì do nam, nữ làng đó tự chèo lái.
Kỳ công đóng, ghép trải đua
Nghề đóng mới hay lắp ghép trải đua là nghề “cha truyền con nối”, không dạy cho người ngoài. Nổi tiếng nhất trong nghề làm trải ở Huế là cụ Lê Sắc, người làng Quy Lai (xã Phú Thanh, Phú Vang). Dân gian kể chuyện cụ Sắc tài hoa như sau: “Thời Nguyễn, các quan lại và công tử nhà giàu thi nhau sắm xe đạp Sterling, Peugoet... cụ Sắc lúc ấy là thợ tre (thợ làm nhà bằng tre) cũng có một chiếc xe đạp nhưng bằng tre và gỗ! Ngoại trừ xích líp, săm lốp phải mua, các phụ tùng khác cụ Sắc tự chế. Mỗi khi đến hội đua trải, các làng tranh nhau bày biện một mâm cau, trầu, rượu mời cụ đến đóng ghép trải, tiền công cực kỳ hậu hĩnh. Chiếc trải đua xứ Huế có hai loại: trải “mực” dài gấp rưỡi trải thường, ngồi được 25 người, trải thường ngồi được 15 người. Mỗi chiếc trải gồm năm tấm ván gỗ kiền kiền, dài 15 - 20m. Kết nối các tấm gỗ bằng dây mây rừng già, mới đạt độ bền, căng. Giữa khe gỗ chèn vỏ cây tràm, gặp nước sẽ nở ra bịt kín. Đến công đoạn chỉnh trải quan trọng nhất, cụ Sắc tự tay gài bốn cái nêm gỗ vào đằng mũi và lái. Cụ chỉnh xong thì chiếc trải ấy hạ thủy nhẹ nhàng, lướt đi như bay trên mặt nước.
“Trải” theo tiếng Huế là chiếc thuyền đua làm bằng gỗ. Đua trải thường được tổ chức cấp tỉnh với quy mô hoành tráng, hấp dẫn, tốn kém. Thời Nguyễn, môn đua trải cực thịnh nhất vào triều Minh Mạng. Ngày nay ở Huế, số người hâm mộ môn đua trải không hề thua kém bóng đá. Đua trải đầu Xuân còn mang ý nghĩa tâm linh “Cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”... |
Vũ Hào