Nét đặc sắc của chiếc bánh chưng gù là hình dáng, bánh chưng gù là biểu tượng của người phụ nữ Dao đỏ, biểu tượng cho sự chịu khó, cần cù của họ. Hình ảnh người phụ nữ đeo chiếc gùi trên lưng, khi lên nương, làm rẫy, họ cúi xuống hái lúa, hái ngô, hái rau đã tạc nên hình dáng của chiếc bánh chưng. Chính hình dáng ấy làm cho chiếc bánh chưng gù trở nên bắt mắt và độc đáo.
Nguyên liệu làm bánh chưng gù là gạo nếp nương trắng ngần, là đỗ nho nhe, là thịt lợn ba chỉ và lá dong xanh. Phụ nữ người Dao đỏ tỉ mỉ trong từng công đoạn làm nên chiếc bánh, từ chọn nguyên liệu, gói bánh và đun bánh. Từng hạt gạo, hạt đỗ được các mẹ, các chị chọn cẩn thận, hạt nào cũng to, tròn và đều tăm tắp, lá dong phải đều lá, xanh và mềm. Khi gói bánh, những bàn tay khéo léo sẽ tạo ra chiếc “lưng gù” cho bánh, bánh đạt yêu cầu phải có “lưng gù” cân, rõ và đẹp. khi cho gạo, đỗ, thịt vào lá dong, họ gấp mép 2 lá dong với nhau tại thành đường cong cho chiếc bánh, đường cong nổi và cân thì “lưng gù” mới đẹp. Sau đó, buộc lạt cẩn thận và ninh bánh trong 8 tiếng cho tới khi gạo, đỗ nhừ, dẻo quánh nhưng không làm mất hình dánh của chiếc lưng.
Đối với người Dao đỏ, phụ nữ chuyên lo chuyện bếp núc, và việc gói bánh là của phụ nữ. Chiếc “lưng gù” trên mỗi chiếc bánh thể hiện cho sự khéo léo của các bà, các chị, các cô. Càng khéo léo, càng cẩn thận thì chiếc “lưng gù” càng đẹp. Bánh chưng của người Dao đậm đà vị ngọt thơm của gạo nếp nương, của đỗ nho nhe và ngậy bùi của thịt lợn, quyện sánh trong sự giao hòa.
Ngày tết, bánh chưng gù được đem thờ cúng tổ tiên, trời đất, đem biếu ông bà, người thân. Khi thưởng thức, cả gia đình quây quần bên mâm cơm tết, kể cho nhau nghe về truyền thống gia đình và cầu mong năm mới an lành, gia đình hòa thuận, mùa màng tươi tốt.
Nguồn: laodong.com.vn