Doanh nghiệp, nhân lực du lịch suy yếu sẽ tác động kép đến khả năng phục hồi của Ngành…
Hàng loạt cơ sở lưu trú cao cấp trên các địa bàn trọng điểm về du lịch được rao bán, nhiều khách sạn, resort ở các khu du lịch nổi tiếng phải đóng cửa; mặc dù thời điểm hiện tại chưa có số liệu cụ thể về số lượng lao động trong ngành Du lịch (gồm lao động trực tiếp và gián tiếp) trong các ngành khách sạn, hướng dẫn viên, nhà hàng, vận chuyển… mất việc làm, hoặc chuyển nghề; song báo cáo mới nhất của ngành Du lịch phần nào cho thấy “bức tranh” khá ảm đạm của du lịch “DN vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách. 95% DN lữ hành dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động…”.
Bà Nguyễn Xuân Lan, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Golden Life Travel (Bình Định) nhận xét, DN du lịch đang rất “đuối sức” và dấu hiệu “đi xuống” là rất rõ. “DN yếu thì khó có thể triển khai được các hoạt động mang tính đồng bộ để thúc đẩy du lịch, nhất là trong thời điểm cần huy động sức mạnh tổng thể để vực dậy sau khủng hoảng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến sự suy yếu của toàn Ngành…”, bà Lan nói.
Tổng Giám đốc khách sạn Kaya (Tuy Hòa, Phú Yên) Nguyễn Huỳnh Hiếu chia sẻ, đợt dịch Covid vừa qua, 2 mảng kinh doanh của khách sạn là lưu trú và tiệc cưới, hội nghị, sự kiện bị hủy 100%, thiệt hại lên tới nhiều tỷ đồng.
“Hiện nhiều khách sạn lớn trên địa bàn vẫn chưa hoạt động trở lại, vì khi vận hành đòi hỏi toàn bộ nhân sự từ lễ tân tới buồng, bếp, bàn bar… kéo theo chi phí rất lớn, trong khi lượng khách lưu trú chủ yếu là khách lẻ”, bà Hiếu cho hay.
Thiệt hại với các DN kinh doanh lưu trú là rất lớn, nhưng đến nay vẫn chưa hề có bất kỳ sự hỗ trợ nào, kể cả giá điện, nướcvẫn giữ nguyên, khiến cho việc kinh doanh đã khó càng thêm khó.
“Thời gian qua một lượng lớn nhân sự trong lĩnh vực du lịch, khách sạn đã chuyển sang làm việc khác và họ đã bắt đầu thích nghi với công việc mới, hơn nữa tình hình hoạt động du lịch còn khá bấp bênh do tùy thuộc vào diễn biến của dịch nên khả năng nguồn nhân lực này quay về với nghề cũ là rất thấp. Nếu không có bước chuẩn bị thì việc thiếu hụt lao động phục vụ khi du lịch hoạt động trở lại là điều chắc chắn sẽ xảy ra”, bà Lan nói.
Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội cho hay, dịch Covid khiến cho hoạt động du lịch của công ty gần như ngưng trệ hoàn toàn, đội ngũ cán bộ, nhân viên công ty từ chỗ gần 400 người, nay chỉ còn lại 20%, là những người thực sự đam mê, tâm huyết với nghề.
“Nguồn thu hoàn toàn không có, trong khi trả lương cho bộ nhân lực “khung” vẫn phải đảm bảo, chi phí thuê văn phòng, điện, nước, internet… mỗi tháng cũng lên tới vài trăm triệu đồng”, bà Ngần chia sẻ…
DN trông đợi gì?
Giám đốc công ty Thương mại và Du lịch Vinago’s Travel (Hà Nội) Đồng Minh Dự nhận định, đợt phát động kích cầu lần này vào cuối mùa du lịch nội địa (thấp điểm), mùa du lịch biển đã hết nên các DN lữ hành rất khó trong việc xây dựng sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách. “DN lữ hành mong đợi chính sách kích cầu tại từng địa phương, nhất là những trung tâm du lịch lớn, các điểm nổi tiếng. Tour giá thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đúng với tinh thần kích cầu chỉ có được khi các địa phương, điểm đến, điểm tham quan có chính sách cụ thể như miễn, giảm phí, vé, hỗ trợ DN đưa khách đến”, ông Dự bày tỏ.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế TimesTours (Hải Phòng) Nguyễn Thành Phương cho rằng, dịch Covid khiến nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất bị tác động nghiêm trọng, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Biểu hiện “dè sẻn chi tiêu” thể hiện rõ rệt nhất sau đợt dịch lần 2 (do không thể biết dịch Covid sẽ tiếp diễn như thế nào), do đó, giá tour dù có hấp dẫn cũng khó thu hút khách.
“Đợt kích cầu lần 1 đúng dịp nghỉ hè của học sinh, các gia đình đi nghỉ đưa con cái đi nghỉ xả hơi sau những tháng học hành căng thẳng, thêm nữa là thời điểm đó cảm giác của du khách như 'giải phóng' sự ‘cuồng chân’ vì giãn cách xã hội, họ rất hưng phấn đi để tận hưởng sự thoải mái, rồi các công ty, DN cho người lao động đi nghỉ mát, các tour cũng đa dạng, nhất là du lịch biển… tạo nên một không khí du lịch cực kỳ sôi động, nhưng đợt kích cầu lần này, chắc chắn là hiệu ứng sẽ không như lần trước”, ông Phương cho biết.
Một lý do khác, theo ông Phương – là tính hấp dẫn của điểm đến rất ít, chỉ một số điểm có khả năng thu hút khách nhưng đáng tiếc thời gian quá ngắn, như chiêm ngưỡng ruộng bậc thang mùa lúa chín tại Sapa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang)… cũng rất khó tổ chức được nhiều tour cho du khách.
“Việc kích cầu thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào giá vé của hàng không, chẳng hạn như tuyến Côn Đảo mới đây Bamboo Airways đã khai thác đường bay Hải Phòng - Côn Đảo, mở ra hy vọng cho các DN lữ hành tổ chức tour ghép khách từ nay đến cuối năm, tuy nhiên khi giá vé khứ hồi được công bố thì mọi tia hy vọng tắt ngấm, bởi giá quá cao…”, ông Phương chia sẻ.
“Để có một sản phẩm phù hợp, DN lữ hành phải bỏ kha khá thời gian khảo sát, nhà hàng phù hợp, khách sạn phù hợp, điểm tham quan cũng vậy; làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ như vận chuyển, lưu trú rồi mới chốt hợp đồng với khách. Giá tour thì thấp để kích cầu, nhưng chi phí khảo sát khá tốn kém, vì thế không thể mong có lãi vào lúc này”, giám đốc một đơn vị lữ hành cho hay.
“Đến thời điểm này, DN mới chỉ nghe được giảm thuế thu nhập DN, mà suốt từ tháng 3 đến nay DN hoàn toàn không có thu nhập vì phải ngừng hoạt động do dịch, vậy giảm thuế TNDN là hoàn toàn không có tác dụng”, vị này phản ánh.
Theo ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Mr Linh’s Adventures, DN lữ hành rất trông chờ động thái mở cửa du lịch quốc tế, “xác định dịch tiếp tục dai dẳng nên cần áp dụng song song phòng, chống dịch và phát triển kinh tế từ du lịch, ưu tiên khách từ các khu vực đã khống chế được dịch và du khách đã có chứng nhận hoàn thành chương trình tiêm vaccine COVID-19; khi nhập cảnh tiếp tục xét nghiệm theo quy định của y tế để đảm bảo an toàn”, ông Linh đề xuất.
“Dịch Covid khiến nhiều DN giải thể, hoặc xin rút giấy phép lữ hành quốc tế để rút tiền ký quỹ, trả văn phòng giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng Mr Linh's xác định tiếp tục kinh doanh du lịch cho dù khó khăn thế nào đi chăng nữa, nên chúng tôi cố gắng để ‘giữ nguyên trạng thái’, từ GPLHQT, đến trụ sở, văn phòng… vì điều này đặc biệt quan trọng với đối tác nước ngoài, nhất là các đối tác lâu năm. Hiện tại, mặc dù rất khó khăn vì Ngân hàng từ chối tín chấp để vay vốn, khả năng tiếp cận gói hỗ trợ của nhà nước là rất thấp, song chúng tôi nỗ lực hết sức để duy trì DN. Tồn tại và phát triển sau đại dịch là minh chứng sinh động nhất cho sự chuyên nghiệp, chất lượng và uy tín”, ông Linh chia sẻ.
Bà Nhữ Thị Ngần – Tổng giám đốc HanoiTourism JSC:
“Nhà nước xác định du lịch là ngành mũi nhọn là rất đúng đắn. Bởi dư địa phát triển của du lịch còn rất lớn, đi du lịch là nhu cầu thiết yếu, nhất là áp lực cuộc sống căng thẳng thì nhu cầu “đi để giải tỏa” là không thể thiếu đối với bất kỳ ai.
Thứ hai, du lịch được xem là ngành thúc đẩy liên kết các nhóm ngành kinh tế khác. Đặc biệt là sau đại dịch, du lịch là ngành tiên phong trong hoạt động kinh tế, có khả năng trỗi dậy nhanh hơn so với các ngành khác, giống như chất xúc tác để kích thích phát triển, cho nên du lịch cần phải được sự quan tâm, hỗ trợ để phát huy sức mạnh, tạo bứt phá trong thời gian ngắn nhất…”.
|
Viễn Nguyệt