Chờ hướng dẫn…
Chung tình trạng “ngủ đông” ròng rã suốt 2 năm bởi đại dịch COVID-19 như nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế khác, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch TYPIC Việt (chuyên inbound thị trường khách nói tiếng Pháp) tìm mọi cách xoay xỏa để tồntại trong đại dịch COVID-19, chờ thời cơ bứt phá trở lại. Chính vì thế, mong chờ đường bay quốc tế mở lại là sự háo hức và kỳ vọng rất lớn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, sự trông đợi vẫn chỉ là… trông đợi. Bởi vậy, khi có thông tin Thái Lan mở cửa đón khách quốc tế, TYPIC lập tức triển khai, kết nối và tổ chức thành công 2 đoàn khách từ thị trường Pháp sang Thái Lan trong tháng 10 và 11/2021.
Giám đốc TYPIC Đỗ Tiến nhìn nhận, việc Việt Nam mở cửa đường bay quốc tế chậm hơn một số nước trong khu vực sẽ khiến cho việc quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế gặp nhiều bất lợi.
“Nhu cầu ‘đi để giải tỏa’ của khách quốc tế là rất lớn, nên khi một số quốc gia mở cửa đón khách là họ lên đường ngay mà không chờ đợi thêm nữa. Bên cạnh đó, các nước mở cửa sớm thường áp dụng các chính sách giá rất hấp dẫn để kích cầu du lịch. Từ việc chiếm ưu thế về truyền thông quảng bá sẽ lan tỏa rất mạnh mẽ về hình ảnh điểm đến, đó là lợi thế thu hút khách”, ông Tiến nói.
Ông Tiến cho hay, hiện tại, các thông tin về mở cửa đường bay từ Việt Nam vẫn rất chung chung, chưa có sự cụ thể nào để doanh nghiệp căn cứ vào đó triển khai đàm phán với đối tác.
“Doanh nghiệp lữ hành vẫn nghe ngóng tính ổn định, lâu dài của việc ‘mở cửa’. Vì đón khách vào, sau đó bởi lý do nào đó phải ngừng, thì doanh nghiệp sẽ ‘hết cửa’, bởi giải quyết câu chuyện ‘hoãn, hủy’ với khách quốc tế vô cùng phức tạp. Hơn nữa, chào bán sản phẩm du lịch tới khách không thể trong một sớm một chiều, mà phải tính đến lâu dài. Thời điểm chào bán là tháng 1 nhưng sản phẩm phải đặt trong thời gian của tháng 4, tháng 5, đến tận tháng 10 tháng 11. Bởi vậy, khi chưa có các thông tin cụ thể thì doanh nghiệp không thể giới thiệu tour đến khách”, ông Tiến bày tỏ.
Thêm vào đó, theo Giám đốc TYPIC, diễn biến dịch thời gian qua dẫn đến nhiều địa phương có tâm lý ‘thiếu cởi mở’ với người từ vùng khác đến, nhất là từ một quốc gia khác, do vậy sẽ khó cho doanh nghiệp lữ hành.
Chung nhận định, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Từ Quý Thành cho rằng, các doanh nghiệp đón khách inbound rất “ngóng” quan điểm phòng chống dịch thống nhất từ trên xuống dưới, không thể “mỗi nơi mỗi kiểu” như hiện nay.
“Doanh nghiệp đưa khách đến một khách sạn (ở một địa phương nào đó) đã đặt trước, nhưng khi đến nơi thì khách sạn không thể nhận khách do phải xử lý ca dịch vừa phát sinh tại đó, như vậy doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình thế vô cùng khó, bị động và điều này đương nhiên ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của Du lịch Việt Nam nói chung”, ông Thành nêu ví dụ.
Một vấn đề khác được Tổng Giám đốc Liên Bang Travel đề cập, là khách quốc tế vào Việt Nam đáp ứng đủ các điều kiện như hộ chiếu vaccine, PCR thì được đi những đâu; nếu đã đảm bảo an toàn thì lý do gì lại giới hạn phạm vi đi lại đối với khách…
“Đối tác nước ngoài yêu cầu rất cụ thể, như về y tế, xét nghiệm thế nào, cách ly ra sao, chi phí, xử lý sự cố phát sinh, trách nhiệm của từng bên... trong khi chúng tôi vì chưa có thông tin từ phía các cơ quan quản lý nhà nước nên không thể trả lời chi tiết. Do đó, rất cần tính nhất quán trong chỉ đạo, điều hành sự phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương...”, ông Thành nói.
Nhận định về các đường bay dự kiến mở, trong đó có thị trường Bắc Kinh (Trung Quốc) – thị trường truyền thống của Liên Bang Travel - ông Thành cho biết, hiện tại tỷ lệ miễn dịch cộng đồng từ khu vực này đã đạt 81% và khả năng đạt 100% trong năm 2021 nên chắc chắn tình hình giao thương, du lịch sẽ sôi nổi trở lại trong thời gian tới, khi việc đi lại không còn bị hạn chế.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành quốc tế chuyên khai thác đường bay xa, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Khám Phá Mỹ - Phùng Gia Tuấn nhận định, việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế là mong đợi không chỉ riêng đối với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, mà của rất nhiều đối tượng… Tuy nhiên, cùng với niềm vui là những tâm tư rất lớn từ phía các doanh nghiệp, bởi “không rõ tình hình như thế nào, liệu có khả năng ‘quay xe’ hay không”.
“Khi có thông tin Chính phủ đồng ý mở lại một số đường bay thương mại quốc tế, chúng tôi lập tức trao đổi với đối tác Hàng không nước ngoài để nắm tình hình, nhưng đến thời điểm này, phía đối tác vẫn chưa có động thái nào bởi họ chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ phía Việt Nam, cụ thể là Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch…”, ông Tuấn cho hay.
“Cần có quy chuẩn thống nhất đối với khách du lịch để các doanh nghiệp lữ hành căn cứ vào đó triển khai đón khách. Ví dụ, khách đáp ứng đủ các điều kiện phòng dịch thì phạm vi tham quan như thế nào? Điểm đến nào phù hợp với thông điệp của ngành Du lịch…”, ông Tuấn nói.
“Rào cản” từ giá vé tăng cao…
“Giá vé hàng không ở hầu hết các thị trường sẽ ở mức rất cao khi đường bay được nối lại” là nhận định chung của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Theo phân tích, khi đường bay mở lại nhu cầu đi lại sẽ tăng rất mạnh trong khi phía hàng không, du lịch, thương mại phải tuyển dụng lại nhiều bộ phận liên quan (do gián đoạn, chuyển việc trong thời gian ngừng bay), các thủ tục y tế, kiểm soát… đẩy chi phí lên. Thứ hai là, giá dịch vụ (vận chuyển, lưu trú) tại điểm đến Việt Nam đang có chiều hướng tăng rất rõ rệt dù mới được “kích hoạt” lại sau thời gian khá dài ngưng trệ vì đại dịch khiến tổng thể giá thành tour tăng lên đáng kể.
“Trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19, giá vé khứ hồi từ Pháp đến Việt Nam mùa thấp điểm rơi vào khoảng 530 - 600 Euro; thời điểm trung bình khoảng 700-800 Euro và mùa cao điểm từ 900 – 1.000 Euro; nhưng hiện tại chắc chắn sẽ không có mức giá như trên”, ông Tiến nhận định.
Theo ông Tiến, thị trường khách châu Âu nói chung luôn xem Việt Nam là một điểm đến được ưu tiên lựa chọn, trung bình một tour từ thị trường này ở Việt Nam dài 2-3 tuần, cá biệt có những tour dài cả tháng với xu hướng trải nghiệm từ Bắc đến Nam, thị trường khách nói tiếng Pháp nói riêng ưu tiên các điểm du lịch phía Bắc, các tỉnh Tây bắc, miền Trung...
“Qua trao đổi với đối tác nước ngoài thì chi phí hợp lý, điểm đến an toàn là yếu tố du khách đặt lên hàng đầu”, ông Tiến cho biết.
Ông Từ Quý Thành cũng cho rằng, du khách sẽ xem giá tour có phù hợp không, sản phẩm có gì hấp dẫn…, bởi vậy, tại thời điểm này, các chiến dịch quảng bá điểm đến càng được đẩy mạnh càng phát huy hiệu quả.
Nhận định về giá tour khi mở lại đường bay, ông Phùng Gia Tuấn cho rằng, các chi phí đều tăng cao trong bối cảnh kinh tế suy giảm nặng nề bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến du khách sẽ tính toán chi li hơn trước khi “xuống tiền”.
“Hiện đường bay thẳng Việt Nam sang Mỹ đã được triển khai tới San Francisco (California) trong khi các tour của các doanh nghiệp lữ hành mở tới LosAngeles, Chicago… do đó doanh nghiệp lữ hành sẽ vẫn bay các hãng hàng không quốc tế có đường bay đến những điểm này; hơn nữa về giá vé hàng không quốc tế có sự cạnh tranh rất lớn so với hàng không trong nước”, ông Tuấn cho biết và nhận định “nguồn khách chủ yếu thời gian tới vẫn là khách thương mại, khách công vụ, chưa thể khai thác được khách du lịch thuần túy…”.
Viễn Nguyệt