Ông Hoàng Nghĩa Đạt, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Truyền thông ISVN 20 (Nhật Bản AZ):
“Cần sự liên kết để quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường…”
Trong số các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ, tôi quan tâm đến nội dung “Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến”, có thể nói đây là vấn đề rất cốt lõi để thu hút khách quốc tế, nhất là trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh rất mạnh từ một số quốc gia trong khu vực.
Từ khi du lịch mở cửa hoàn toàn, các thị trường gần như Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) được các doanh nghiệp (DN) triển khai rất tốt cả về đưa khách Việt Nam sang (outbound) và đón khách Hàn, Nhật sang Việt Nam (inbound). Đối với DN Nhật Bản AZ, chỉ tính riêng tour Mùa hoa Anh đào đã triển khai gần 40 đoàn. Mặc dù lượng khách có mức tăng, nhưng trên thực tế việc tổ chức đưa, đón khách đã bộc lộ một số điểm yếu dẫn tới kết quả chưa được như mong muốn, vấn đề này đã được nêu cụ thể trong Nghị quyết. Đối với riêng thị trường Nhật Bản, tôi có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, việc xúc tiến, quảng bá, truyền thông điểm đến Việt Nam tại Nhật Bản còn rất hạn chế. Khách Nhật, nhất là đối tượng khách incentive rất thích sang Việt Nam du lịch, vì điểm đầu tiên là tâm lý du khách muốn được khám phá, trải nghiệm một nền văn hóa khác, phong cảnh thiên nhiên khác, ẩm thực khác biệt so với những cái đã quá quen thuộc ở đất nước của họ; điểm thứ hai hết sức quan trọng là chi phí để sang Việt Nam du lịch rẻ hơn so với đi trong nội địa Nhật. Bởi lý do này, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật chọn Việt Nam là điểm du lịch, cho thấy tiềm năng thị trường Nhật Bản rất lớn. Tuy nhiên, lượng khách Nhật sang Việt Nam vẫn chưa nhiều, điều này cho thấy chiến lược quảng bá hướng vào đối tượng khách từ Nhật Bản chưa thực sự được coi trọng.
Nhu cầu du lịch của du khách vùng Sendai (Đông Bắc Nhật Bản) khá lớn, nhưng hiện tại chưa có đường bay thẳng, khách hàng phải di chuyển khá xa và mất tương đối thời gian để đến sây bay Tokyo, từ đó mới bay sang Việt Nam, điều này gây ra một số phiền toái nhất định khiến khách hàng dè dặt khi quyết định chọn tour Việt Nam. Tương tự như vậy, Hokkaido (Bắc Nhật Bản) là vùng được nhiều du khách Việt Nam quan tâm song hiện nay vấn đề vướng nhất là chưa có đường bay thẳng. Tour Hà Nội - Hokkaido 6 ngày 5 đêm, nhưng thời gian bay đã mất khoảng 2 ngày, nên cũng rất khó bán.
Thứ hai, nhiều DN trong đó có Nhật Bản AZ thực sự mong muốn có một liên kết chặt chẽ để cùng nhau phát triển. Khi các DN ngồi với nhau đều mong muốn có người đứng lên với vai trò “đầu tàu” để tạo ra những liên minh đủ lớn, đủ sức triển khai các hoạt động có sức ảnh hưởng đến thị trường, cũng như tạo nên sức mạnh liên kết. Nhưng khi vào việc thì lại vô cùng khó khăn, không ai nghe ai. Thậm chí còn bị “dìm”, bị chơi xấu bằng cạnh tranh thiếu lành mạnh…
Chúng ta thấy một thực tế là sau khi mở cửa hoàn toàn du lịch, hoạt động outbound sang thị trường Nhật, Hàn rất tốt; tuy nhiên, các thị trường khác lại không được suôn sẻ, chẳng hạn thị trường châu Âu thời gian qua rất nhiều DN bỏ cuộc vì không còn nguồn lực để làm; vấn đề ở đây là sự manh mún của các DN, mạnh ai nấy làm. Trong bối cảnh hiện tại, cùng hợp tác, cùng đẩy sản phẩm thì dễ làm hơn, nhất là với châu Âu – thị trường rất đắt đỏ, chi phí cho một tour rất tốn kém, nhưng các DN rất khó “bắt tay” nhau hợp tác cùng phát triển, mà vẫn mạnh ai nấy làm.
Với DN chuyên thị trường Nhật Bản cũng vậy, việc tạo sự đồng thuận là cực kỳ quan trọng. Trước mắt thị trường đang thuận lợi, nhưng tương lai như thế nào thì không thể nói trước được điều gì. Trước đây, nhiều DN khai thác thị trường Nhật rất hiệu quả, nhưng đến thời điểm này thì lại “án binh bất động” vì xu hướng, nhu cầu khách hàng thay đổi hoàn toàn so với trước…
Việc liên kết không chỉ tạo sự nhất quán trong truyền thông, sản phẩm, mà còn có thể kết nối, hợp tác giữa các DN inbound, outbound, tạo động lực mạnh mẽ cho các DN. Trước đến nay, các DN hầu như chỉ tập trung vào một vài điểm đến quen thuộc, chưa có sự đầu tư khai thác các tuyến điểm mới, mà Nhật Bản thì quá nhiều điểm đến đẹp, hấp dẫn bởi phong cảnh, thiên nhiên, khí hậu, văn hóa… để mang lại những giá trị trải nghiệm cho khách hàng.
Chẳng hạn với tuyến Osaka- Kobe - Kyoto – Fuji - Tokyo (xuyên Bắc – Nam Nhật Bản) với cung đường trên 1.000km trong vòng 4 ngày, khá mệt với du khách, vì thời gian di chuyển nhiều, thời gian còn lại cho các cảnh điểm quá ít, không đủ để du khách trải nghiệm, nhưng vì đã nhiều năm khai thác tuyến này, nên các DN “ngại” đổi mới.
Cuối cùng, chúng tôi mong muốn có sự kết nối, dẫn dắt từ phía cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan văn hóa, ngoại giao, hàng không… để có sự hỗ trợ trong quảng bá sản phẩm thông qua những sự kiện lớn được tổ chức ở nước ngoài; các chương trình xúc tiến quảng bá hoặc chương trình khảo sát tuyến điểm… tạo điều kiện để DN tự tin hơn, bứt phá hơn…
Bà Vũ Quỳnh Anh, Giám đốc điều hành Hoàng Minh Travel:
“Tạo sự lan tỏa về ứng xử văn minh, cởi mở, chân thành, nhiệt tình với khách du lịch…”
Sau đại dịch Covid-19, Du lịch Việt Nam đang hồi phục và từng bước bứt phá, đây là một tín hiệu khởi sắc rất đáng mừng đối với những người làm du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng”, du lịch cũng đang bộc lộ những điểm yếu cần nhanh chóng khắc phục. Chính vì vậy, cộng đồng DN du lịch rất kỳ vọng vào những quyết sách đột phá của Chính phủ để du lịch thực sự phát triển mạnh mẽ, bền vững trong giai đoạn mới.
Một trong những vấn đề nổi cộm mà hầu hết các DN, đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, vận chuyển du lịch hết sức quan ngại là hạ tầng quá tải. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai cửa ngõ chính đón khách quốc tế bằng đường hàng không đến Việt Nam. Thời gian gần đây, tình trạng tắc nghẽn giao thông, người tham gia giao thông lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu gây mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường… khiến không ít du khách quốc tế lo ngại. Việc lập lại trật tự an toàn giao thông là một trong những việc cần làm ngay để xây dựng ý thức giao thông văn minh trong cộng đồng cũng như tạo sự yên tâm đối với du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Để xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, bên cạnh công tác xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm, thì một trong những vấn đề quan trọng là thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn minh, thái độ cởi mở, chân thành, nhiệt tình đối với du khách của người dân. Mỗi người dân trở thành một đại sứ Du lịch. Cho dù có sản phẩm tốt, phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn, ẩm thực đặc sắc, văn hóa đa dạng… nhưng cách thức làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, thì sớm hay muộn, du khách cũng sẽ “một đi không trở lại”. Tôi cho rằng, việc phát động – xây dựng – thực hiện phong trào ứng xử văn minh không khó, vấn đề là chúng ta có làm hay không, và làm đến đâu mà thôi.
TS Lê Xuân Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến:
“Cần cụ thể trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu…”
Chúng tôi hết sức quan tâm tới nội dung được nêu trong Nghị quyết 82/NQ-CP, đó là “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai phát triển hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh; đa dạng hóa các mô hình doanh nghiệp du lịch phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các chính sách kích cầu, gói hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành phù hợp với tình hình mới. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” để áp dụng giá bán lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất…”.
Nhiều năm qua, chúng tôi nắm được tinh thần “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, nhưng làm thế nào để phát triển ngành công nghiệp không khói trở thành “mũi nhọn” thực sự thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Du lịch xứng đáng được dành sự quan tâm thỏa đáng bằng những chính sách hỗ trợ cụ thể, không phải là những khẩu hiệu hô hào. Từ những năm 2004, DN chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú tại vùng biển Hải Tiến, biến một vùng hoang sơ trở thành một điểm sáng của du lịch xứ Thanh. Không phải chỉ đầu tư cho riêng DN, chúng tôi còn bỏ tiền đầu tư vào hạ tầng, đường sá phục vụ chung cho dân sinh, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi chưa hề có bất kỳ một sự hỗ trợ nào về vốn, về giá điện, nước, nhất là sau hơn 2 năm “gồng mình” bởi đại dịch, thì hiện nay chúng tôi mong chờ các quyết sách tạo động lực cho DN vượt qua khó khăn. Không nên để DN mòn mỏi đợi chờ…
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty Mr Linh’s Adventures:
“Cơ cấu lại thị trường khách du lịch là vấn đề cần bàn thảo kỹ lưỡng…”
Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Đây là vấn đề được nêu rất nhiều tại các hội nghị lớn về du lịch, nhất là trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch COVID-19, cho thấy việc khai thác các phân khúc thị trường theo nhu cầu, sở thích phù hợp các sản phẩm du lịch Việt Nam được các cấp, các ngành hết sức chú trọng.
Theo quan sát của DN lữ hành quốc tế Mr Linh’s Adventures – đơn vị chuyên inbound dòng khách châu Âu, thì có vẻ như du lịch Việt Nam đang hướng vào thị trường Ấn Độ và xác định tập trung khai thác khách từ thị trường này. Gần đây, lượng khách Ấn Độ sang Việt Nam có mức tăng khá nhanh, trước mắt, để hoàn thành mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023 mà ngành Du lịch đưa ra, thì có thể xem đây là một tín hiệu tốt về khả năng thu hút khách. Tuy nhiên, về lâu dài, quan điểm của cá nhân tôi là cần phải được bàn thảo một cách kỹ lưỡng.
Chúng ta đều biết Trung Quốc là thị trường khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Với thị trường Trung Quốc là thị trường truyền thống, có nhiều điểm tương đồng, nhất là trong tiêu dùng, ẩm thực và nhiều năm DN hai bên đã làm thị trường này rất tốt; nhưng với thị trường Ấn Độ, các đơn vị dịch vụ của ta chưa đủ đáp ứng; về ẩm thực, khách Ấn Độ ăn hoàn toàn khác, dễ thấy nhất là nhà hàng Việt Nam chưa thể đáp ứng các đoàn khách số lượng lớn.
Nếu xác định tập trung phát triển thị trường này thì phải tính đến bài toán về hậu cần như thế nào? đồ ăn ra sao? Nguồn nhân lực phục vụ thị trường khách này cần được đào tạo thế nào? Cảnh điểm tập trung vào đâu, nhu cầu du lịch của khách Ấn là gì?
Thực tế, DN chúng tôi đã tổ chức đoàn ghép khách Âu và Ấn thì vô cùng khó làm. Nhất là điểm đến là vùng sâu, vùng xa, miền núi thì sự khó khăn còn gấp bội phần, ở thành phố lớn thì có thể có một vài nhà hàng có khả năng phục vụ khách Ấn, còn các điểm xa là hầu như không có. Riêng về khâu chế biến món ăn Ấn cũng rất phức tạp, họ chế biến theo kiểu của họ, do đó nếu thay đổi, hướng vào thị trường Ấn Độ là rất nan giải; nhất là thuyết phục các nhà hàng Việt Nam thay đổi về ẩm thực phục vụ khách Ấn Độ, bởi ẩm thực phục vụ đại trà đang là lợi thế rất lớn của các nhà hàng trong phục vụ du lịch.
Để đáp ứng được thì phải đi học cách nấu ăn của người Ấn, tìm hiểu tập tục của họ, phong vị ẩm thực… rồi đầu tư mở các nhà hàng Ấn Độ, thế nhưng ai sẽ là người dám mạo hiểm “xuống tiền” trong khi đang phát huy lợi thế ẩm thực của mình, thế mạnh của mình đề đầu tư vào một cái hoàn toàn mới, chưa biết tính khả thi đến đâu. Ngay cả khi có đơn vị đầu tư mở nhà hàng, dịch vụ cho khách Ấn Độ cũng không phải ngày một ngày hai là vào việc ngay được, để có những món ăn như của người Ấn phải học cả tháng, thậm chí cả năm.
Nếu chúng ta không đáp ứng được theo tính chất của thị trường Ấn Độ theo văn hóa của họ thì điều đương nhiên là khách sẽ đánh giá khâu phục vụ của ta không tốt, như vậy vô hình trung chúng ta tự làm “mất điểm”…
Ấn Độ hiện là nguồn khách rất lớn của Singapore và Malaysia, do hai quốc gia này có cộng đồng người Ấn sinh sống và làm ăn đã lâu, tạo nên sự liên kết. Việt Nam đi sau đối với thị trường Ấn Độ nên tôi cho rằng cần nhắm đến phân khúc khách hàng cụ thể. Như vậy sẽ có định hướng để khai thác.
Viễn Nguyệt