
Cùng với hội thảo chuyên đề đã tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 18/11/2012, và được biết sau hội thảo ở TP. Hồ Chí Minh và Hội An sẽ được tổ chức một hội thảo với cùng nội dung tại Hà Nội vào tuần đầu tháng 12/2012 nhằm tổng kết các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp ngành du lịch cả nước về chiến lược du lịch 2013. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại và dự báo đòi hỏi phải có sự nối kết thông tin chặt chẽ này, để đưa ra hướng đi vững chắc cho Ngành trong năm mới.
Về khâu kết nối
Trong 18 ý kiến được các doanh nghiệp và sở ngành quản lý nêu lên ở hội thảo góp ý miền Trung, phần lớn đều đề cập đến hiện trạng kết nối hợp tác phát triển du lịch và các mảng dịch vụ liên quan, vốn bị đánh giá chưa mạnh mẽ. Những ý kiến lần này lại tiếp tục những thông tin “chưa hài lòng” về chất lượng hoạt động hợp tác, liên kết giữa các tỉnh thành, giữa các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Quảng Trị nhìn nhận, chủ trương liên kết phát triển du lịch tại địa phương này được đề ra từ lâu, 6 tháng đều có họp bàn, các ngành đều tham gia, nhưng báo cáo thì ngành nào biết ngành đó. Bản thân nhiều ngành quản lý chưa có được ý thức hợp tác cơ hội cùng ngành Du lịch. Về liên kết vùng, tín hiệu có vẻ tốt hơn khi Quảng Trị luôn nối kết với các tỉnh liền biên giới Lào, Thái Lan về du lịch hành lang kinh tế Đông Tây, tổ chức đều đặn các hội nghị luân phiên hàng năm. Song những bàn định đó vẫn chỉ loanh quanh tìm cách gỡ sự vụ cụ thể chứ chưa tạo được tiếng nói mạnh mẽ vì thiếu sức mạnh “một đầu tàu nối kết”.

Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch HĐQT Du lịch Hương Giang (Huế) đánh giá, nhiều năm qua hiện trạng “nói rồi không làm” vẫn là bệnh chung của du lịch các tỉnh miền Trung, trong đó Thừa Thiên - Huế đã nhiều lần tỏ ra kiên quyết tìm hướng hợp sức lại song vẫn giậm chân tại chỗ. Đặc biệt không chỉ ở chủ trương, mà trong cách xử lý những giải pháp cụ thể để thúc đẩy du lịch, nhất là mảng dịch vụ trong ngành Du lịch, cảm giác vẫn bị chồng chéo và thiếu sức hút. Đơn giản như tiền vé tham quan các di tích, di sản, các địa phương cứ tăng trong khi chất lượng hoạt động du lịch khó đổi mới, không phân định rõ thực chất việc tăng giá vé ấy là vì điều kiện gì.
Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp du lịch, 2013 sẽ tiếp tục là năm có thêm nhiều gánh nặng cho Ngành. Tính riêng về thuế đất, hiện trạng đa số đơn vị đang phải gánh thêm những khoản tăng giá rất cao vì tiền thuê tăng, việc xem xét áp dụng miễn giảm ở các địa phương không hề có; trong khi du lịch là ngành đòi hỏi mặt bằng thuê đất rất lớn, không phải diện tích đất thuê nào cũng sử dụng khai thác thu lại được lợi nhuận.
Cần đổi mới hơn về công tác quản lý
Lắng nghe các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn đã đề nghị các doanh nghiệp góp ý trực tiếp hơn về các chính sách ngành, hiện nay còn thiếu và vướng mắc ở đâu. Trong đó, vấn đề lộ trình áp dụng cho các chính sách quản lý ngành là nổi cộm. Đơn cử lộ trình tăng giá vé các dịch vụ du lịch như vé máy bay, vé tham quan, phí hộ chiếu, tăng thuế thuê đất… đều đáng lưu ý. Các doanh nghiệp bổ sung thêm, những vấn đề nội tại như thẩm định kỹ năng hành nghề trong ngành Du lịch (hướng dẫn viên, nhân viên các điêm lưu trú, lữ hành…), công tác kiểm tra kiểm soát doanh nghiệp dịch vụ du lịch đều đang nổi lên nhiều vấn đề. Vấn đề ý thức cộng đồng về phục vụ du khách du lịch cũng đang biểu hiện nhiều bức xúc, trong đó chính người dân còn thờ ơ và chưa được tuyên truyền tốt về những giá trị du lịch mang lại.

Theo doanh nghiệp du lịch tại Vinh (Nghệ An), nhiều đơn vị khách sạn tự phong sao, nhiều trang web thông tin của các doanh nghiệp quảng bá sai sự thật về hoạt động… là hiện tượng dễ thấy đã diễn ra lâu nay, nhưng chưa được chấn chỉnh. Theo doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng, nạn “đầu tư du lịch chui” đã hoành hành khá nhiều tại khu vực này, làm cho các doanh nghiệp rất bức xúc, vì nhiều đơn vị lữ hành Hàn quốc, Trung quốc không hề nộp thuế hay và khai báo hoạt động vẫn cạnh tranh trực tiếp với họ mà không bị nhắc nhở… Tất cả đang tạo nên một bức tranh không mấy lạc quan và tự tin cho các doanh nghiệp du lịch ở miền Trung trước thềm năm mới 2013.
Mong mỏi chung của các doanh nghiệp và cả cấp sở, ngành quản lý đều thể hiện, Bộ VHTTDL cũng như Cục quản lý trực tiếp cần tăng cường thêm năng lực quản lý và giám sát hoạt động ngành, nối kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp để vận động phát triển. Đa số ý kiến đều mong có thêm nhiều cuộc hội thảo, trao đổi, gặp gỡ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp để có thêm cơ hội góp ý, đề xuất hiệu quả. Quan trọng hơn, việc lắng nghe phải đi cùng hành động giải quyết nhanh những đòi hỏi của doanh nghiệp sẽ giúp tạo thêm điều kiện cho các mảng dịch vụ hỗ trợ du lịch tăng thêm, tích cực hơn và hiệu quả hơn, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển.
Thụy Bất Nhi