Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ chuyển hướng kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn…
Sau gần 1 tháng về quê Bắc Kạn thực hiện “giãn cách xã hội”, sáng 28/4, Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Mr Linh’s Adventures Nguyễn Tuấn Linh trở lại văn phòng công ty ở 83 Mã Mây (Hà Nội). Con phố ngày thường tấp nập bao nhiêu thì giờ đây vắng vẻ đìu hiu bấy nhiêu. Không còn cảnh từng đoàn, từng đoàn du khách quốc tế thích thú tham quan phố phường, hay túm tụm trước cửa một công ty du lịch nào đó để “xem” tour…, vài hàng cà phê vừa mới cửa phục vụ trở lại lác đác vài ba khách Việt. Một khung cảnh buồn tẻ “chưa từng có” ở một con phố cổ sôi động vào bậc nhất Hà thành…
Bất động hồi lâu trong căn phòng trống trải, rồi như chợt nhớ ra điều gì, Linh chầm chậm giở tập hồ sơ dày cộm trên mặt bàn – đó là những “tệp” khách hàng ở nhiều thị trường hải ngoại mà công ty đã dày công thiết lập. Anh nói như cho chính mình nghe “có lẽ phải còn lâu, rất lâu nữa Mr Linh’s mới có thể trở lại được trạng thái của ngày xưa…”.
“Điều khiến tôi lo ngại nhất là mất hết các mối quan hệ khách hàng. Trong bối cảnh này, đối tác chuyển đổi nghề nghiệp, hoặc chuyển hướng kinh doanh mảng khác là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra”, anh tâm sự.
“Khoảng cuối tháng 2/2020 các hợp đồng đã ký với khách đều bị hủy bởi Covid 19. Đầu tháng 3 đoàn khách cuối cùng công ty phục vụ về nước. Mọi hoạt động “đóng băng”. Dàn xe từ 7 – 29 chỗ nằm phơi mưa nắng. Nhân viên tứ tán. Tiền thuê văn phòng vẫn phải thanh toán đầy đủ”.
Khó khăn chồng chất khó khăn, thế nhưng, công ty vẫn cố gắng đảm bảo chi trả một phần lương cho đội ngũ nhân viên để “cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn”, Linh chia sẻ.
“Tôi xác định vẫn kinh doanh du lịch. Nhưng trong lúc visa cho khách quốc tế chưa được cấp lại, hàng không quốc tế vẫn đóng cửa, thì công ty sẽ chuyển hướng sang du lịch nội địa”.
Vốn chuyên mảng đón khách inbound từ các thị trường Âu, Mỹ, Úc, Anh, Đức, Pháp… từ năm 2013, với hướng đi khác biệt, lượng khách Mr Linh’s Adventures đón và phục vụ tăng dần theo từng năm. Trong đó, năm 2018 có thể coi là năm thành công nhất với gần 7.000 khách từ nhiều thị trường.
“Sự thay đổi này sẽ mở ra những khó khăn lớn mà chúng tôi phải đối mặt, do mảng quốc tế và nội địa vốn có sự khác biệt rất nhiều về đặc điểm, tâm lý, nhu cầu, sở thích của khách hàng. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để thích nghi và cố gắng phục vụ khách một cách tốt nhất”, anh nói.
Trước mắt, công ty sẽ tận dụng các lợi thế sẵn có về phương tiện vận chuyển; cơ sở lưu trú (02 homestay tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn); tàu, thuyền du lịch liên quan đến du lịch Hồ Ba Bể; các tuyến, điểm truyền thống. Đây là thế mạnh tạo ra lợi thế cạnh tranh của công ty những năm qua mà nhiều doanh nghiệp lữ hành khác không có được. Một số tuyến sẽ được điều chỉnh lại để phù hợp với khách trong nước.
Dự kiến, đầu tháng 5/2020 Mr Linh’s sẽ mở bán tất cả các dịch vụ nói trên cho các đối tác có nhu cầu. Cùng với đó, mở bán các voucher nghỉ dưỡng đến cuối năm 2021 với mức giá giảm tối đa.
“Điều rất đáng mừng là sau thời gian ‘đóng cửa’ để phòng chống dịch Covid 19, đến nay nhiều địa phương trên cả nước đã cho phép du lịch hoạt động trở lại. Rất có thể du lịch nội địa từ nay đến cuối năm sẽ ‘bùng nổ” - Linh bày tỏ.
Tương tự như Mr Linh’s Adventures, Giám đốc nhà hàng Bếp Việt Nguyễn Xuân Quỳnh (một địa chỉ ẩm thực phục vụ khách du lịch quốc tế vốn không xa lạ gì với giới lữ hành) chia sẻ, đối tượng khách nước ngoài của Bếp Việt chiếm tới 95% (khách du lịch theo đoàn), bởi vậy, khi du lịch quốc tế ngừng bắt buộc nhà hàng phải tìm hướng chuyển mục tiêu sang ‘tệp’ khách hàng nội địa.
“Hiện tại, dù nhà hàng đang tạm thời đóng cửa, nhưng chi phí hàng tháng cũng vào khoảng trên 100 triệu đồng, đó là đã được chủ nhà giảm 50% tiền thuê mặt bằng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì không một doanh nghiệp nào có thể chịu nổi”, anh Quỳnh nói.
Trước tình thế này, Bếp Việt “làm mới mình trên nền tảng cũ”. Hiện tại, nhà hàng đang cải tạo sửa chữa nâng cấp toàn bộ “phần cứng” (cơ sở vật chất) và “phần mềm” (đổi mới thực đơn, làm lại website, triển khai kinh doanh online) để thay đổi diện mạo. Cùng với đó, tận dụng nguồn lực là các đầu bếp trong ngành, một mô hình “món ăn nhanh, tiện lợi, giá cạnh tranh, phù hợp nhiều đối tượng” đang được định hình. Đặc biệt, cố vấn mô hình là một bếp trưởng danh tiếng người Mỹ sẽ hỗ trợ kỹ thuật, trong đó điều quan trọng là tạo ra một xu hướng tiêu dùng mới, khách hàng ngồi một chỗ vẫn hoàn toàn có thể đặt món theo sở thích với tiêu chí nhanh gọn, giản tiện và hợp lý về giá.
“Nếu trông chờ nguồn khách Âu chắc chắn sẽ rất lâu vì tình hình dịch bệnh ở nhiều nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguồn khách nội địa mà Bếp Việt hướng đến cũng không đơn giản vì khách các địa phương tham quan trải nghiệm thủ đô theo tour của các đơn vị lữ hành cũng có rất nhiều lựa chọn về ăn uống. Vì vậy, nguồn khách chính vẫn là khách hàng tại chỗ. Chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thiện mình để đáp ứng khách hàng một cách tốt nhất”, anh Quỳnh chia sẻ.
Viễn Nguyệt