Ông Chu Quốc Ân - Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, hiện nay giai đoạn thí điểm điều trị Methadone cho người nghiện ma túy đã kết thúc tại ba địa phương. Chương trình bắt đầu mở rộng và sẽ có thêm tám địa phương gồm Điện Biên, Sơn La, Hải Dương, Cần Thơ, Thanh Hóa, Đà Nẵng… được triển khai điều trị Methadone cho nguời nghiện ma túy, nâng tổng số 11 địa phương được triển khai chương trình này. Mục tiêu sẽ có khoảng 10.000 người nghiện được điều trị miễn phí.
Methadone có tên gọi hóa học là 6 - (Dimethyl lamino) - một chất đồng vận với opioid (chất dạng thuốc phiện), nghĩa là có tác dụng tương tự như các chất dạng thuốc phiện nhưng thời gian tác dụng kéo dài hơn và ở mức độ nhẹ hơn so với heroin. Thuốc được Bộ Y tế cung cấp miễn phí đến các cơ sở điều trị thông qua Công ty Dược phẩm TW1.
Theo ông Chu Quốc Ân, việc điều trị bằng Methadone có tác dụng kéo dài, với chi phí thấp, sử dụng bằng đường uống; giảm các nguy cơ gặp phải khi quá liều heroin... Đặc biệt người nghiện dừng các hành vi phạm pháp do ảo giác của ma túy kích động; cải thiện và ổn định quan hệ với gia đình cộng đồng. Với những người không thể ngừng sử dụng heroin, Mathadone là thuốc có độ an toàn cao hơn và giúp họ giảm dần tình trạng lệ thuộc. Mặt khác, đây là thuốc có tác dụng mạnh và có thể nguy hiểm nếu dùng không đúng cách.
Trước khi triển khai ở Việt Nam, phương pháp điều trị thay thế bằng Methadone đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và đã đạt được kết quả tốt như: Mỹ, Anh, Australia và Trung Quốc...
|
(Ảnh minh họa) |
Anh Nguyễn Hồng Quân, 45 tuổi ở huyện Từ Liêm (Hà Nội) là người mới được đưa vào chương trình áp dụng Methadone cho biết từ khi chương trình Methadone được triển khai ở Từ Liêm, anh là người thứ 17 ở huyện này được điều trị. Trước kia mỗi ngày anh sử dụng từ 300.000 – 400.000 đồng cho heroin thì từ khi uống Methadone, anh đã bớt nhớ… ma túy.
Để tìm được liều dùng methadone, anh Quân cũng phải dò liều mất 4 tuần để tìm liều thích hợp với mình (về bản chất methadone cũng là một loại ma tuý tổng hợp, nhưng dùng đường uống để giảm tác hại lây truyền HIV qua đường tiêm chích – PV), sau khi dò được liều, từ 8 đến 9 giờ sáng hàng ngày anh đến Trung tâm để được uống methadone. Đến nay đã 4 tháng anh Quân ngừng hẳn việc sử dụng trái phép ma tuý.
Tác dụng lớn nhất của Methadone là bệnh nhân không còn cảm giác thèm ma túy và khỏe mạnh, có thể làm việc bình thường, giảm tội phạm và bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, theo bác sỹ Chu Quốc Ân, việc triển khai điều trị Methadone gặp khó khăn vì cần có trụ sở, bác sỹ được đào tạo, điều trị… Bên cạnh đó, việc điều trị Methadone cũng có thể có phản ứng phụ như mất ngủ, táo bón, uống quá liều gây đau đầu.
Sau thời gian thí điểm điều trị Methadone, đây có thể xem là biện pháp thay thế an toàn giúp người nghiện ngừng sử dụng heroin; đồng thời, khống chế con đường lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Hơn nữa, người sử dụng Methadone không gây phản ứng phụ và hiện tượng phá phách do ảnh hưởng của việc sử dụng ma túy gây nên.
Trước tình hình lây nhiễm HIV gia tăng trong đối tượng nghiện hút ma túy và việc điều trị thành công từ các quốc gia, Việt Nam quyết định đưa vào sử dụng Mô hình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 11 tỉnh, thành phố là một chủ trương đúng đắn. Mục đích việc triển khai điều trị nhằm giúp người nghiện thay thế dần cảm giác thèm heroin và cuối cùng là từ bỏ ma túy.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dược: Mathadone chỉ áp dụng điều trị đối với những người lệ thuộc ma tuý nhóm chất dạng thuốc phiện và không áp dụng với những trường hợp như: nghiện rượu, thuốc lá, ma tuý tổng hợp (benzodiazepine, amphetamine). Những người tham gia điều trị Methadone, từ 18 tuổi trở lên còn dưới 18 tuổi phải có người giám hộ theo quy định của pháp luật; có đơn tự nguyện cai nghiện; thời gian nghiện ít nhất 3 năm và đã cai nghiện nhiều lần bằng các phương pháp khác nhưng vẫn tái nghiện; không bị chống chỉ định sử dụng thuốc và có giấy giới thiệu của UBND phường nơi người nghiện cư trú.
Anh Tú