*Anh có thực sự cảm thấy hài lòng về bức ảnh "Báu vật nhân văn sống”
Ca trù Hà Nội có nhiều Câu lạc bộ và giáo phường. Đây là bức ảnh chụp hai nghệ nhân cao tuổi: nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng năm nay 92 tuổi và nghệ nhân Nguyễn Thị Sinh năm nay 89 tuổi trong một buổi sinh hoạt thường kỳ ở Bích câu Đạo quán của nhóm ca trù Hà Nội. Tôi cảm thấy khá tâm đắc với bức ảnh này vì nó thể hiện được niềm đam mê với nghề nghiệp của các nghệ nhân cao tuổi cũng như tình bạn già ấm áp của hai người. Bức ảnh có tên là "Báu vật nhân văn sống" - từ dùng của UNESCO để tôn vinh các nghệ nhân dân gian, những người trao truyền những kiến thức quý báu của họ cho thế hệ sau. Hiện nay, theo số liệu thống kê, những nghệ nhân hát được 10 làn điệu ca trù rất hiếm. Cả nước chỉ có trên 700 nghệ nhân ca trù và ngày càng ít dần đi, một con số đáng để chúng ta suy nghĩ.
*Các triển lãm chuyên đề như triển lãm về các di sản Việt Nam có tác động như thế nào đối với các nhà cầm máy, thưa anh?
Tôi nghĩ rằng các triển lãm chuyên đề như thế này có tác động rất tốt bởi vì nó góp phần làm cho chúng ta thêm tự hào về các giá trị của di sản Việt Nam, đồng thời đây cũng là cơ hội để quảng bá những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ra thế giới.
*Còn với bức ảnh “Khoảnh khắc quyết định”, anh đã chụp nó như thế nào”?
Đó là bức ảnh tôi chụp các nhà sư đang vận chuyển đá để sửa sang chùa Kompong Chray (còn gọi là chùa Hang), một trong 141 ngôi chùa phật giáo Nam tông cổ kính của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc quý giá, thể hiện được sự nỗ lực lao động của các nhà sư - một hình ảnh hiếm gặp, rất khỏe khoắn. Bức ảnh này nằm trong dự án "Đạo và Đời" mà tôi theo đuổi thực hiện rất nhiều năm.
*Thời gian gần đây anh đoạt được nhiều giải thưởng danh giá. Anh nghĩ gì về điều này?
Giải thưởng chỉ là một dòng chảy, không phải là dòng chủ lưu đối với nghệ sĩ. Đối với một nghệ sĩ thì triển lãm cá nhân quan trọng hơn vì nó thể hiện được những tư tưởng và ý đồ của nghệ sĩ đó. Giải thưởng chỉ là cơ hội để mình nhìn lại tác phẩm của mình, đánh giá lại xem nó được hay không được và có một hướng đi khác chứ giải thưởng không phải là quyết định. Tôi đã nhận trên 40 giải thưởng nhưng tôi nghĩ nhiều hay ít không quan trọng. Điều quan trọng là giải thưởng đó có thực sự giá trị hay không? Tôi thích những cuộc thi có tính chuyên nghiệp cao như cuộc thi Giải thưởng Nhiếp ảnh Paris của Pháp (ban giám khảo là đại diện những tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới); cuộc thi "Sáng tạo Luân Đôn" và cuộc thi ảnh "Toàn cầu" của Anh.
*Anh xác lập một con đường riêng đối với nhiếp ảnh đương đại như thế nào?
Đó là sự kết hợp của nhiếp ảnh hiện thực và lãng mạn, của nhiếp ảnh tài liệu và nhiếp ảnh mang tính ý niệm, và cả với một số loại hình nghệ thuật thị giác khác… Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là mình luôn giữ được niềm đam mê, sự sáng tạo để làm mới mình.
Xin cảm ơn anh Trần Việt Văn./.
PV