Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng”: cơ hội đầu tư, thúc đẩy du lịch phát triển
Thông tin với báo chí, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cho biết, ngành Du lịch đang đón nhận những dấu hiệu tích cực về các hoạt động du lịch nội địa cũng như quốc tế; các cơ sở dịch vụ, du lịch đã và đang mở lại toàn diện. Những thông điệp, thông tin về ngành Du lịch luôn được các cơ quan truyền thông truyền tải đến thị trường, bạn bè quốc tế kịp thời, tích cực.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng nhấn mạnh việc tổ chức Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” là nhiệm vụ quan trọng của Bộ VHTTDL tại Kon Tum. Với sự chủ động, tích cực của Kon Tum, Bộ VHTTDL coi đây là nhiệm vụ mang tính chất của vùng; tổ chức tại Kon Tum nhưng sẽ kích hoạt và góp phần phục hồi mạnh mẽ du lịch khu vực Tây Nguyên và các địa phương lân cận.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định: “Kon Tum được lựa chọn đăng cai sự kiện quan trọng để phát động một giai đoạn mới cho phát triển du lịch vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Là địa bàn giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, tuy nhiên cho đến nay nhiều hoạt động du lịch mới bắt đầu. Chính vì vây, chủ đề của diễn đàn là “tiềm năng và triển vọng”. Thông qua diễn đàn, Kon Tum tìm kiếm các cơ hội đầu tư, phát triển du lịch địa phương nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung, từ đó đánh thức tiềm năng, triển vọng đó”.
Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” nằm trong các chuỗi sự kiện tháng 4 lịch sử; điểm nhấn các hoạt động tập trung diễn ra từ 21-24/4. Các sự kiện trước diễn đàn: Lễ đón nhận Bằng Di tích Chiến thắng Đắk Tô năm 1967 và Điểm cao 875 lịch sử tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi; Hội thảo khoa học nhân Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh; Tổ chức chương trình khảo sát, giới thiệu đầu tư, xây dựng tour, tuyến du lịch, kết nối với các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP; Khai mạc bay Khinh khí cầu chào đón khách du lịch đến Kon Tum và kích cầu du lịch năm 2022; Tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của Kon Tum; Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Điểm cao 1015 và 1049; Giải Dù lượn mở rộng huyện Sa Thầy. Sau Diễn đàn Kon Tum sẽ tổ chức phiên chợ Sâm Ngọc Linh và các hoạt động quảng bá du lịch, các sản phẩm đặc hữu huyện Tu Mơ Rông năm 2022; Tour Caravan TP. Hồ Chí Minh – Kon Tum; Giải Quần vợt Vô địch Nam – Nữ Quốc gia cúp Sâm Ngọc Linh Kon Tum 2022...
Kon Tum có đường biên giới dài 292,522km giáp Lào và Campuchia; có cửa khẩu quốc tế, có “Cột mốc Quốc giới Việt Nam - Lào - Campuchia” là biểu tượng cho tình đoàn kết - hữu nghị và hợp tác của ba nước. Diện tích rừng Kon Tum lớn, có nhiều gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, pơmu, thông...; hương liệu, dược liệu quý như Gió bầu, Sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Mã tiền, Hoàng đằng, Ngũ gia bì, Hà thủ ô,... Địa hình Kon Tum đa dạng, tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, có thể khai thác như du lịch tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái... Đáng chú ý trong số đó phải kể đến rừng Thông Măng Đen (huyện Kon Plong), vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy), khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đắc Glei).
Kon Tum có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa rất riêng của các tộc người thiểu số. Trong đó phải kể đến “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” đã được UNESCO công nhận. Cùng với đó là các di tích lịch sử Ngục Kon Tum (TP. Kon Tum), ngục Đăk Glei (huyện Đăk Glei), di tích chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đăk Tô), di tích Chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi); các công trình tôn giáo có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo như: Nhà Thờ Gỗ, Tòa Giám Mục, Chùa Bác Ái... là điểm đến hấp dẫn du khách tham quan...
Hiện tỉnh Kon Tum có 153 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 2.183 phòng. Kon Tum đã công nhận 10 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó: huyện Kon Plông: 6 điểm; huyện Đăk Hà 1 điểm và TP. Kon Tum 3 điểm. Công tác lập Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang khẩn trương, gấp rút triển khai thực hiện. Trong đó, lĩnh vực du lịch thuộc nhóm ngành dịch vụ, thương mại được xác định là nhóm ngành quan trọng cần tập trung phát triển trên địa bàn tỉnh.
|
Thanh Hoàng