Nhiều tiềm năng lợi thế
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết, tỉnh Điện Biên có nhiều tiềm năng để phát triển văn hóa du lịch với 31 di tích lịch sử được xếp hạng. Trong đó, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh; 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt, Điện Biên là tỉnh duy nhất ở Tây Bắc có sân bay kết nối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vừa được nâng cấp thành sân bay lớn đủ điều kiện cho máy bay A321 hoạt động. Hệ thống giao thông đường bộ kết nối với các tỉnh trong khu vực đang được quan tâm đầu tư, mở rộng...
Điện Biên có Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, gắn với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ vừa được xây dựng bề thế và trang nghiêm là lợi thế khai thac du lịch lịch sử, tâm linh. Cùng với đó, 19 dân tộc chung sống trên mảnh đất Điện Biên tạo ra những giá trị độc đáo, hấp dẫn thông qua các lễ hội, ngày tết cùng những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống… Khu du lịch sinh thái Him Lam và Hồ Pá Khoang gắn với cảnh quan thiên nhiên của núi rừng Mường Phăng, văn hóa cộng đồng của các bản Kéo (xã Pá Khoang), bản Che Căn (xã Mường Phăng), bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh) tạo thành chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa độc đáo.
Ngoài ra, Điện biên có 7 bản văn hóa du lịch có đủ điều kiện để đón và phục vụ khách du lịch tại cộng đồng; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà văn hóa, đường cầu vào các bản cũng đã được Điện Biên quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây dựng. Công tác bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc đã và đang được đẩy mạnh như nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái; nghề đan mây tre của người Khơ Mú; lễ hội Sên Pang và hội Hạn Khuống của người Thái. Các mô hình du lịch Homestay cũng đã được các tổ chức, cá nhân quan tâm, chú trọng đầu tư xây dựng như: Homestay Phương Đức, Homestay Mường Phăng, Homestay Cầm Trường đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng nhấn mạnh: “Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; 115 năm thành lập tỉnh; 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 270 năm ngày nghĩa quân Hoàng Công Chất giải phóng Mường Thanh. Tỉnh Điện Biên đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tích cực kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư với kỳ vọng đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều trải nghiệm, khám phá mới”.
Cần tăng cường liên kết, hợp tác để phát triển
Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe tham luận trình bày tiềm năng, thế mạnh của các địa phương tỉnh Điện Biên. Các nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội cũng đánh giá cao thế mạnh, tiềm năng của du lịch Điện Biên; đồng thời chia sẻ những tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch Điện Biên cũng như công tác chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc giá 2024. Các đại biểu cho rằng, Điện Biên cần quy hoạch, phát triển du lịch bền vững; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; đẩy mạnh đầu tư về hạ tầng giao thông, điểm đến, nguồn nhân lực, cơ sở lưu trú… Các ý kiến cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển du lịch; đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch Hà Nội - Điện Biên trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, các điều kiện hợp tác phát triển du lịch Hà Nội và Điện Biên cần không ngừng được tăng cường từ chính sách, chủ trương đến các hạ tầng kết nối về đường bộ, đường hàng không, kết nối số… Cần có sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư để có nhiều tour tuyến, các sản phẩm trải nghiệm du lịch phong phú, chất lượng, đặc sắc. Bên cạnh đó, cũng theo ông Trần Trung Hiếu, hai địa phương cần thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch của nhau; cập nhật, thông tin về chính sách kích cầu du lịch của mỗi địa phương, các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch… Lựa chọn những sản phẩm du lịch đặc trưng mới để giới thiệu cho các doanh nghiệp du lịch đưa vào chương trình hợp tác hằng năm. Liên kết, xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa qua việc kết nối vận chuyển đường hàng không, đường bộ; kết nối, khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh Đông Bắc – Tây Bắc…
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, Điện Biên được thiên nhiên ưu đãi với vẻ đẹp hùng vĩ, văn hóa dân tộc đa dạng, với bề dày lịch sử hào hùng, nổi bật là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã khiến Điện Biên trở thành điểm đến có vị trí vô cùng đặc biệt mà không nơi nào có được. Điện Biên cũng là tỉnh duy nhất trong các tỉnh Tây Bắc có sân bay kết nối Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vừa nâng cấp thành sân bay lớn đủ điều kiện cho máy bay A 321 hoạt động. Đó là những yếu tố thuận lợi để tỉnh Điện Biên thu hút đầu tư du lịch, phát huy tiềm năng sẵn có từ các giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan tự nhiên tươi đẹp. “Điện Biên được chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2024. Đây là sự kiện quan trọng của ngành du lịch. Chúng tôi tin tưởng Điện Biên sẽ tận dụng tốt cơ hội này để quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ các giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch; tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, con người Điện Biên đến với du khách trong và ngoài nước” - Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên và Sở Du lịch Hà Nội đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024-2026.
Tuấn Sơn