Doanh nghiệp lữ hành khốn khổ vì đường bay mở nhưng điểm tham quan... đóng cửa
Theo kế hoạch, trong tuần này, công ty lữ hành Tiên Phong Travel sẽ khởi hành tour Hà Nội – Đà Nẵng cho đoàn 200 khách, tuy nhiên diễn biến của dịch Covid-19 buộc DN phải thay đổi lịch trình.
Giám đốc Tiên Phong Travel Phùng Xuân Khánh cho hay, công ty đã đàm phán và được khách hàng chấp thuận chuyển sang địa phương khác không có dịch, thế nhưng tour này cũng lại phải hoãn vì phát sinh vấn đề khác, đó là một số địa phương bất ngờ ra thông báo tạm dừng điểm tham quan du lịch để phòng chống dịch Covid-19.
“DN du lịch rất hưởng ứng các chương trình xúc tiến, phát động thị trường nhiều địa phương triển khai thời gian qua, các văn bản ghi nhớ, hợp tác ký kết cũng cam kết rõ việc phối hợp cùng nhau xử lý khi có sự cố phát sinh, song một số địa phương mặc dù không có dịch nhưng đã vội vàng ra văn bản đóng cửa điểm tham quan, cách làm này có phần cảm tính, tâm lý ‘phòng hơn chữa’, vô hình trung ‘đẩy’ DN vào thế khó”, ông Khánh bày tỏ.
Theo ông Khánh, phòng chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng là rất đúng đắn, tuy nhiên cần căn cứ vào những hướng dẫn, khuyến cáo của ngành Y tế và cần đánh giá đúng tình hình thực tế tại địa phương để không gây xáo trộn đến các hoạt động kinh tế, xã hội, nhất là hoạt động kinh doanh của DN du lịch, dịch vụ cũng như gây tâm lý hoang mang đối với du khách, cộng đồng.
Đồng quan điểm, Giám đốc một DN lữ hành cho rằng, tại thời điểm này, bất cứ một động thái nào của địa phương cũng phải đặt sự cẩn trọng lên hàng đầu, bởi liên quan đến rất nhiều vấn đề khác.
DN này đang lên phương án chuyển đoàn đến Phú Yên (do chương trình Đà Nẵng bị hủy), việc đàm phán với Hàng không về thời gian bay tạm hoàn tất thì nhận được thông báo Phú Yên đóng cửa điểm tham quan du lịch từ 29/7, chưa rõ thời gian mở lại.
“Khi ra văn bản thông báo cần nghiên cứu kỹ để các bên liên quan đều biết và có phương hướng xử lý, do hoạt động du lịch là một chuỗi liên hoàn giữa DN lữ hành với đơn vị vận chuyển, lưu trú, cung ứng dịch vụ tại điểm đến…, việc nhiều địa phương ban hành công văn hỏa tốc đóng cửa điểm tham quan trong khi Hàng không không nắm bắt được, DN lữ hành cũng không được thông báo… dẫn đến sự bị động, khó xoay xở, nhất là đối với những trường hợp sát đến ngày khởi hành. Thông báo chung chung như vậy là không ổn”, vị này nói.
Sự bất cập này dẫn đến nghịch lý là Hàng không vẫn bay trong khi điểm đến đóng cửa, nếu DN không cho khách ‘bay’ thì không được bồi, hoàn; còn cho khách đi thì lại vấp phải phản ứng của khách, vì không có điểm tham quan nào mở cửa.
“Hiện đối với các hợp đồng đã ký đi Đà Nẵng, việc hoàn lại tiền cho khách là vấn đề rất đau đầu vì DN lữ hành đã đặt cọc cho hàng không, cho khách sạn… nên không thể thu lại để hoàn trả. Do vậy phải đàm phán với khách đi đến điểm khác, hoặc chờ dịch được khống chế, điểm tham quan mở trở lại… Nhưng nói chung DN rất khó khăn do diễn biến của dịch ngày càng phức tạp, khó lường, trong khi tâm lý khách hàng bao giờ cũng muốn thu lại tiền khi tour không triển khai được…”, ông Khánh chia sẻ.
"Hàng không cần có chính sách linh hoạt về phương án xử lý, cụ thể là đổi hành trình bay, ví dụ thay vì Đà Nẵng có thể đổi sang Nha Trang, Phú Quốc hoặc tuyến điểm khác, chi phí giá vé thay đổi tùy thuộc chặng bay, thời gian bay, hoặc lùi thời gian để DN có thể vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chuyển hành trình ngay tại thời điểm này.
“Các cơ quan quản lý, địa phương cần xem xét tình hình cụ thể, không nên vội vã dẫn đến sự hoang mang đối với du khách, khó khăn đối với DN. Cần tính toán, xem xét ở nhiều góc độ để vừa thực hiện mục tiêu kép là đảm bảo phòng, chống dịch và phát triển kinh tế. Đặc biệt là du khách cần bình tĩnh, tránh hoảng loạn”, ông Khánh nói.
Viễn Nguyệt