![](/FileManager/mypicture/Ruong-bac-thang-o-Che-Cu-Nh.jpg) |
Ruộng bậc thang ở Chế Cu Nha Ảnh: H.D |
Nói đến Mù Căng Chải, người ta thường nghĩ nhiều về một vùng núi non trùng điệp. Nhưng xen giữa vùng núi hiểm trở ấy lại có những thửa ruộng bậc thang đẹp mê đắm lòng người. Tổng diện tích của khu vực ruộng bậc thang được công nhận Di tích văn hóa quốc gia gần 500ha nằm trên địa bàn ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình. Đây là ba xã có những thửa ruộng bậc thang nằm tập trung và đẹp nhất Mù Căng Chải. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Du lịch Việt Nam, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn - Giàng Chứ Ly cho biết, theo tiếng Mông gọi bậc thang là “làn đáy”. Lịch sử hình thành của ruộng “làn đáy” bắt nguồn từ tập quán cư trú ở những triền núi cao của đồng bào người Mông. Trên những độ cao khoảng 2000m - máy móc và trâu bò không lên được; bằng những nông cụ thô sơ như dao, cuốc... bà con người Mông cần cù tạo nên những khoảnh ruộng bậc thang, một thửa ruộng rộng chừng 1m, dài vài chục mét có khi phải khai phá nửa năm mới xong. Có lẽ cũng vì thế mà hơn 92% người Mông gồm 4 nhóm Mông Đơ (trắng), Mông Lình (hoa), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ) trong tổng số trên 40 nghìn dân của Mù Căng Chải sống trong một địa bàn gần 1.200 km² qua bao thế hệ nay mới khai phá được hơn 1000ha ruộng bậc thang.
Việc khai khẩn ruộng bậc thang là một quá trình dài, kết tinh kinh nghiệm và tri thức về trồng lúa nước của đồng bào. Nơi có thể chọn làm ruộng tốt phải là nơi có nguồn nước thuận lợi, có độ dốc vừa phải, có mặt bằng, ít sỏi đá, cỏ mọc dày và tốt. Trong quá trình khai khẩn, việc tạo mặt bằng cho ruộng là khó khăn nhất bởi độ dốc cao, nên phần lớn thường ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp (chỉ được vài đường bừa), độ chênh từ thửa ruộng trên với thửa ruộng dưới từ 1- 1,5 mét. Để tạo mặt bằng cho từng thửa ruộng, đồng bào dùng nước làm cân bằng, chỗ trũng thì cào bằng thêm, chỗ cao thì san bớt lên bờ, vì vậy cả thửa ruộng quanh quả đồi đều có nước và độ cao giống nhau, tạo ra các bậc thang đều khắp.
Làm bờ cho ruộng cũng là cả một quá trình công phu làm sao để giữ được nước và điều hòa từ ruộng trên xuống ruộng dưới. Ngay trong cách chia nước, đồng bào Mông sẻ nước từ bờ trên xuống bờ dưới không nối liền mạch (thửa đầu sẻ đầu bờ thì thửa dưới phải sẻ ở giữa bờ, thửa kế tiếp sẻ đường nước thoát ở cuối bờ) nhằm hạn chế tối đa khi mưa lũ tạo dòng chảy mạnh gây vỡ bờ và rửa trôi hết màu mỡ của đất. Cứ thế, qua năm tháng các thửa ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải nhiều lên cùng thời gian tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ và lãng mạn giữa miền sơn cước.
Ruộng bậc thang chính là nét hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đang có kế hoạch gắn việc bảo tồn với nâng cao hiệu quả sản xuất, nghiên cứu các đặc trưng văn hóa vật thể, phi vật thể và môi trường sinh thái ở khu vực Di tích văn hóa quốc gia và vùng phụ cận để làm cơ sở khoa học xây dựng đề án phát triển các loại hình du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Phương Điệp