
Di tích Mỹ Sơn. Ảnh: Công Thành/TTXVN
Sức hấp dẫn giá trị đặc biệt đến từ sự thể hiện lịch sử, tiến trình phát triển văn hóa qua tiến trình phát triển của kiến trúc và nghệ thuật của một nền văn hóa, văn minh đã từng tồn tại và phát triển rực rỡ ở miền Trung Việt Nam trong hàng chục thế kỷ trước đây. Mỹ Sơn ngày hôm nay không chỉ là kho tàng với những tuyệt tác kiến trúc, những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, mà còn chứa trong nó những kiến thức khoa học về vật liệu, kỹ thuật xây dựng ở trình độ đỉnh cao mà con người thời hiện đại còn cần phải tốn nhiều thời gian để nghiên cứu mới có khả năng hiểu được.
Mỹ Sơn còn là vùng đất với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo, là nơi xuất phát của một chuỗi các di tích Chăm dày đặc trên bờ Nam sông Thu Bồn, có các mối liên hệ chặt chẽ với các di tích quan trọng như Trà Kiệu, Lăng Bà Thu Bồn. Mỹ Sơn là sự biểu hiện cụ thể của tính đa tầng văn hóa của vùng đất Duy Xuyên: Sa Huỳnh- Chămpa- Đại Việt. Sự hội tụ của các nền văn hóa này tạo dựng nên một giá trị nền tảng cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của khu Di sản.
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản toàn diện, việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng. Năm 2003, Đội văn nghệ dân gian Chăm Mỹ Sơn ra đời, với ý nghĩa ban đầu là phục dựng tái tạo những nét văn hóa Chăm truyền thống, nhằm gìn giữ bảo tồn, đồng thời phát huy giá trị phục vụ du khách tham quan. Đến nay, hoạt động của Đội văn nghệ dân gian Chăm còn là nơi góp phần bảo tồn tốt kho tàng văn hóa dân tộc Chăm, lưu giữ và truyền đạt cho các thế hệ sau. Đồng thời, là đại sứ văn hóa với bạn bè quốc tế, Đội đã phục dựng nhiều nét văn hóa truyền thống phục vụ trong các lễ hội.
Đi liền với công tác bảo tồn, trùng tu di tích sau khi Mỹ Sơn được công nhận Di sản Văn hóa thế giới, các cấp chính quyền đã đầu tư trên 160 tỷ đồng, nâng cấp hệ thống giao thông (30km) Nam Phước - Mỹ Sơn. Đây là yếu tố hết sức quan trọng tạo ưu thế mới cho việc quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch Mỹ Sơn - Duy Xuyên.
Phát triển bền vững là yêu cầu đặt ra cho công tác quản lý di sản, tránh những tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế du lịch. Mỹ Sơn đã trở thành điểm du lịch được du khách lựa chọn. Hằng năm, Mỹ Sơn đón trên hai trăm ngàn khách đến tham quan. Nếu năm 1998, Di tích Mỹ Sơn chỉ đón 15 ngàn lượt khách, đạt doanh thu 640 triệu đồng, thì đến năm 2013 đón trên 200 ngàn lượt khách, doanh thu gần 20 tỉ đồng. Di sản Mỹ Sơn đã không ngừng được du khách lựa chọn là điểm đến trong nhiều ngành nghề du lịch, văn hóa, khoa học trùng tu, giáo dục…
Việc phát huy giá trị di sản được thực hiện đa dạng trong nhiều lĩnh vực, nhưng hiệu quả nhất trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản là đưa giá trị di sản về với cộng đồng. Sự phối hợp liên tục và lâu dài với chính quyền địa phương để tuyên truyền giáo dục giá trị di tích cho nhân dân, tạo việc làm cho người dân địa phương là chỗ dựa vững chắc cho việc giữ gìn di tích. Năm 2000, Mỹ Sơn phối hợp với ngành Giáo dục đưa công tác giáo dục giá trị di sản vào trường học. Hàng loạt sách, tờ rơi, ấn phẩm về di tích được đưa vào nhà trường; các cuộc thi tìm hiểu di tích được tổ chức hàng năm đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh về Di sản thế giới Mỹ Sơn và các di sản văn hóa trong địa bàn huyện. Năm 2013, Mỹ Sơn thực hiện giáo dục di sản với chương trình trưng bày “Di sản chung của chúng ta” tại Nhà trưng bày Mỹ Sơn.
Thực hiện Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Mỹ Sơn, Ban Quản lý Mỹ Sơn phối hợp với UNESCO xây dựng các dự án thành phần như xây dựng biểu trưng nhận diện di sản (logo), xây dựng bảng biểu thuyết minh di tích tại mỗi nhóm tháp, dự án xe điện phục vụ du khách... Những dự án này luôn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, giới chuyên môn và các tổ chức quốc tế. Trong đó, dự án homestay Mỹ Sơn đã mang lại lợi ích cho người dân địa phương và góp phần phát triển du lịch huyện Duy Xuyên.
Trong hoạt động hợp tác quốc tế, tổ chức UNESCO là hạt nhân, đầu mối cho những hợp tác trên lĩnh vực bảo tồn phát huy di sản Mỹ Sơn. Với sự hợp tác hiệu quả và thường xuyên, Mỹ Sơn đã nhận được sự giúp đỡ của các quốc gia, tổ chức quốc tế như tổ chức Lerici, ILO, MAG, JICA đại sứ quán Italia, hãng hàng không Asiana, Văn phòng UNESCO Hà Nội và chính phủ các nước Italia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… Trong đó, Mỹ Sơn cũng đẩy mạnh trao đổi, hợp tác, học hỏi, thăm viếng lẫn nhau với các di sản như Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng, Di tích Cát Tiên, Di sản thế giới Vat Phou (Lào)…
Với hững kết quả đạt được trong 15 năm qua từ ngày Mỹ Sơn được công nhận Di sản Văn hóa thế giới và được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành trung ương và địa phương, đặc biệt là Nghị quyết 3 về phát triển du lịch huyện ủy Duy Xuyên từ 2010 đến 2015 và định hướng đến năm 2020, tin tưởng rằng trong thời gian tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, tạo bước đột phá cho phát triển du lịch Duy Xuyên nói chung và du lịch Mỹ Sơn nói riêng.
Yến Nhi