(VTR) - Đèo Khánh Lê dài 33km là con đèo dài nhất Việt Nam nối liền vùng biển Nha Trang với xứ hoa đào. Sườn phía Khánh Hòa chiếm phần lớn chiều dài con đèo. Sườn phía Lạc Dương thoai thoải từ độ cao 1700m xuống 1500m, đi trên đèo du khách có cảm giác con đèo chỉ là một con dốc lớn. Con dốc vĩ đại này cũng chính là sườn Đông của Trường Sơn Nam. Sau một chặng leo dốc với những khúc cua tay áo và những vách đá cao 200 – 300m ở sườn Đông, du khách ngỡ ngàng với sự bằng phẳng, mềm mại của cao nguyên bên Lạc Dương với thảm thực vật lá kim, với đất đỏ và mây bảng lảng.
Về tên đèo, người Khánh Hòa gọi là đèo Khánh Lê theo tên của xã Khánh Lê thuộc huyện Khánh Vĩnh nằm dưới chân đèo; người Lâm Đồng gọi là đèo Bi Đoup theo tên đỉnh núi Bi Đoup của cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng) mà con đèo cắt qua gần đó. Cũng có người gọi là đèo Hòn Giao theo tên dãy núi Hòn Giao nằm phía Bắc con đèo. Đỉnh đèo thực ra cắt qua phần eo lõm phân cách giữa khối núi Hòn Giao và khối núi Bi Đoup, nằm trong địa giới Lâm Đồng. Tuy nhiên, trên cao nguyên Lạc Dương, các đỉnh cao Hòn Giao và Bi Đoup trông chẳng khác gì các đỉnh đồi vì chúng chỉ cao hơn bề mặt cao nguyên dưới chân vài trăm mét. Dù tên là gì thì con đèo vẫn là con đường du lịch đầy chất thơ và cảm xúc.
Theo hướng từ Đà Lạt về Nha Trang, rời khỏi những cánh rừng lá kim giá lạnh trên lập địa thoai thoải của cao nguyên Lang Biang là tới những cánh rừng lá rộng nhiệt đới xanh ngắt trên sườn dốc dựng đứng thuộc địa phận Khánh Hòa. Đỉnh đèo có độ cao 1.700m so với mặt biển. Đây cũng là khu vực của vườn quốc gia Bi Đoup - Núi Bà với diện tích 64.800ha, nơi duy nhất trên thế giới được xác định còn sót lại loài thực vật thông hai lá dẹt mà những đại diện đầu tiên đã xuất hiện cùng thời với khủng long. Cung đường đèo có rất nhiều thác nước trong vắt. Ở độ cao trên 1000m (vùng đỉnh đèo) - nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, sương mù luôn xuất hiện vào bất cứ thời gian nào trong năm, nhiều lúc còn gây ra những trận mưa nhỏ, khiến khí hậu lạnh buốt và ẩm ướt. Vùng đỉnh đèo không có dân ở. Thiên nhiên hoang sơ, tĩnh lặng thỉnh thoảng rộn rã lên vì một chuyến xe qua hay một nhóm du khách ngồi nghỉ bên thác nước.
Các đợt phun trào basalt dữ dội kể từ cuối kỷ Neogen (chừng 5 triệu năm trước) đến gần đây đã đẩy vùng đất Tây Nguyên lên cao, hình thành các cao nguyên phân bậc mà Lâm Đồng là một trong số đó. Các cao nguyên Tây Nguyên có dạng lệch sườn: sườn Tây thoải dần về phía sông Mê Kông, còn sườn Đông dốc thẳng xuống dải đồng bằng hẹp ven biển Đông. Đường đèo Khánh Lê cắt qua sườn dốc vĩ đại này, làm phơi bày các tầng đá móng của một cung đảo núi lửa cổ. Đó là các đá phun trào andesite và daxite, nạc mịn như những khối bánh đúc màu đen hay xám, chồng chất lên nhau. Những chủ nhân của di tích Cát Tiên (Lâm Đồng) và tháp Chăm xưa đã sử dụng loại andesite rắn chắc này để tạc ra những khối linga – yoni và tượng thần hàng ngàn năm đã qua mà vẫn như mới.
Đèo Khánh Lê là một bảo tàng thiên nhiên vĩ đại về cảnh quan, về đất đá, về các quá trình địa chất xa xưa, về tính đa dạng sinh học của VQG Bi Đoup – Núi Bà, và cả về văn hóa bản địa của người Lạch ở Lạc Dương vốn trước đây là chủ nhân vùng đất Đà Lạt.
Thiên nhiên kỳ thú, đa dạng và con người nhân hậu, cảm giác hứng thú và sợ hãi khi đi trên con đèo hiểm trở ẩn hiện trong mây, những khao khát được trải nghiệm, được hiểu biết, …đã tạo ra sức hấp dẫn lớn của đèo Khánh Le đối với khách du lịch. |
PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe
(Tạp chí Du lịch)