Đèo cắt qua khối núi có tên là Cù Mông, một phần của dãy Trường Sơn. Đèo Cù Mông so với nhiều con đèo khác không dài và cũng không cao (độ cao của đỉnh đèo chỉ là 245m), cũng không quá dốc (độ dốc 9%). Do con đèo chạy dọc theo một thung lũng đứt gãy địa chất khá thẳng nên Cù Mông có lẽ là con đèo ít cua ngoặt nhất, thẳng nhất nước ta.
Xa xa về phía Đông đèo là bán đảo Vĩnh Cửu với những dải cát trắng phau trải rộng tới tận biển. Về phía Nam là bán đảo Hải Phú với Hòn Tôm, mũi Ông Diên, hòn Nần… Giữa khung cảnh thơ mộng ấy là một chiếc cầu nhỏ, cầu Bình Phú, vắt ngang qua đoạn hẹp nhất của đầm Cù Mông, mở đầu cho đoạn quốc lộ 1D tránh đèo Cù Mông, nối thị trấn Sông Cầu với TP. Quy Nhơn. Đến đây, du khách có thể bắt đầu gặp những cồn cát trắng mênh mông và những bãi biển đẹp, hoang sơ nhưng quyến rũ. Trên con đường ấy, ngay cửa ngõ của TP. Quy Nhơn du khách đi qua cổng trại phong Quy Hòa, được xây dựng cách đây hơn 80 năm, nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử đã sống trong những ngày cuối cùng. Sau khi ra đi, phần mộ của nhà thơ đã được xây dựng ở Ghềnh Ráng, nơi có bãi tắm Hoàng Hậu, một bãi tắm đẹp nhất Bình Định, bên cạnh căn nhà nghỉ mát do vua Bảo Đại xây dựng. Cù Mông với sự yên tĩnh và cảnh sắc môi trường sơ khai thuần khiết, một bầu không khí trong lành, mát mẻ luôn níu giữ bước chân du khách.
Vào dịp kỷ niệm 26 năm ngày giải phóng Bình Ðịnh, công trình đường Quy Nhơn - Sông Cầu (quốc lộ 1D) được khánh thành. Con đường tránh đèo Cù Mông bắt đầu từ cầu sông Ngang, cửa ngõ vào trung tâm TP. Quy Nhơn, chạy sát bờ biển và kết thúc tại xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu (Phú Yên), có tổng chiều dài 33km. Con đường này không chỉ nhằm mục đích tránh đèo Cù Mông nguy hiểm trên quốc lộ 1A, phá vỡ thế độc đạo ra vào TP. Quy Nhơn, rút ngắn 15km cho quãng đường từ Quy Nhơn đi Tuy Hòa, mà trước hết là vì sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất giáp ranh 2 tỉnh Bình Ðịnh - Phú Yên.
Gò Cà dưới chân Cù Mông có một ngôi miếu xưa gọi là miếu Phò Giá Đại Vương, nằm ở phía Nam dãy Cù Mông thuộc địa phận xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu.
Tương truyền, khi vua Lê Thánh Tông và sau này là các đại tướng nhà Nguyễn như Lương Văn Chánh, Văn Phong… mang đại quân vào phía Nam mở mang bờ cõi, quân Đại Việt tử trận được an táng tại Gò Cà. Đến thời Tây Sơn, Nguyễn Nhạc sai xây một ngôi miếu trên Gò Cà gọi là Miếu Phò Giá Đại Vương để thờ vong linh các nghĩa binh, xin phù trợ cho cuộc khởi binh thắng lợi. Hàng năm đều cúng tế linh đình. Hiện nay Gò Cà chỉ còn lại một bãi đất bằng phẳng, cỏ cây, bụi rậm mọc um tùm, ba ngôi tháp cổ chỉ còn phần đế móng.
Phía bên dưới ngôi miếu Phò Giá Đại Vương có một vực rất sâu gọi là vực Linh Thiêng. Hàng năm cứ vào ngày mùng 9 tết dân làng đến cúng tế thần linh gọi là lễ cúng khai sơn. Lễ cúng thường là các chim thú bẫy được quanh vùng núi này. Sau khi cúng, tất cả chim thú dùng tế lễ đều được phóng sinh.
Có lẽ Cù Mông là con đèo duy nhất ở Việt Nam có đến 3 tuyến quốc lộ vượt qua. Cù Mông là con đèo không phải để ngăn cách mà để xe duyên “Anh về Bình Định thăm cha, Phú Yên thăm mẹ Khánh Hòa thăm em” (Ca dao). Với núi cao, rừng thẳm và biển xanh, vùng đèo Cù Mông là điểm đến quý báu của ngành Du lịch. Tuy nhiên, cái còn quý hơn chính là lịch sử bi hùng của con đèo. Là nơi mà những vần thơ bất hủ của Hàn Mặc Tử luôn ngân vọng trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Đình Hòe
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)