Cuộc sống của người dân Gò Quao bao đời qua đã gắn liền với những cánh đồng lúa bạt ngàn, những vườn khóm xanh tím và những vườn cây ăn trái trĩu quả.
Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận về xứ Gò Quao là sự chân tình, nồng nhiệt của chính quyền địa phương, sự ân cần mến khách của những nhà sư, những người nông dân và một cảnh vật yên bình của một vùng quê sông nước được bao bọc bởi dòng sông Hậu và sông Cái Lớn hiền hòa.
Con đường từ Quốc lộ 61 vào xã Thủy Liễu, nơi có đông đúc đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã được mở rộng, xe ô-tô khách 50 chỗ lưu thông khá dễ dàng. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là ngôi chùa Khmer có tên là Thnol Chum - Thủy Liễu (còn gọi là chùa Cả Bần Lớn).
Tại đây, chúng tôi được tham quan ngôi chánh điện, ngồi tại ngôi Sala dùng nước và nghe Hòa thượng Lý Long Công Danh, trụ trì chùa thuyết trình về sự hình thành và phát triển của ngôi chùa. Chúng tôi còn được thưởng thức những làn điệu văn nghệ dân tộc do các em thiếu nhi Khmer biểu diễn từ dàn ngũ âm đặc sắc - một tài sản văn hóa tinh thần của người Khmer Nam Bộ.
Theo Hòa thượng Lý Long Công Danh, chùa Thnol Chum - Thủy Liễu được hình thành từ năm 1565, trải qua 26 đời trụ trì. Ngôi chùa này đã song hành cùng sự phát triển của đất nước, là một địa chỉ tin cậy của lực lượng cách mạng trong các cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Còn tên gọi Thủy Liễu, theo nhà văn Bình Nguyên Lộc (trước 1975) là do Nguyễn Ánh (vua Gia Long) đã đặt khi bôn tẩu đến đây.
Tương truyền rằng, khi Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng đến nơi này, trên thuyền đã cạn kiệt thực phẩm. Có một bà lão đến dâng lên chúa một chén bần (trái cây bần) dầm nước mắm.
Đang cơn đói, Nguyễn Ánh ăn nước mắm bần với cơm ngon quá, bèn hỏi bà lão: Địa danh nơi đây là gì? Bà lão thưa: Cả Bần, vì nơi đây cây bần mọc như rừng.
Chúa Nguyễn nhìn cây lạ, có trái mà mình vừa ăn, thấy cây giống như cây Liễu, lại mọc dưới nước bèn đặt tên cho nơi đây là Thủy Liễu. Ngày nay, tên Thủy Liễu đã trở thành tên xã, tên chùa và nhiều nữa, còn cái tên Cả Bần ngày càng mai một.
Huyện Gò Quao nằm bên dòng sông Cái Lớn. Con sông có chiều dài hơn 60km bắt nguồn từ huyện Long Mỹ (Hậu Giang) chảy qua địa phận các huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Biên, Gò Quao, Châu Thành và đổ ra vịnh Rạch Giá (Kiên Giang).
Con sông có bề rộng nơi lớn nhất gần 1km. Toàn tuyến có một cây cầu nối từ bờ Tắc Cậu (Châu Thành) sang bờ Xẻo Rô (An Biên). Người dân và phương tiện từ huyện Gò Quao muốn sang huyện U Minh Thượng phải đi bằng phà gỗ.
Tại thị trấn Gò Quao có một bến sông rất rộng. Nơi đây rất nhộn nhịp vào những ngày diễn ra lễ hội Oóc Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer. Khúc sông này cũng là đường đua cho các giải đua ghe ngo truyền thống của tỉnh Kiên Giang.
Nhưng đông vui nhất vẫn là dịp rằm tháng 10 âm lịch, khi giải đua ghe ngo quy tụ hầu hết các đội đua mạnh đến từ các chùa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tại bến sông, chúng tôi xuống đò máy (có mui) vào tham quan một hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của xã Vĩnh Phước A. Sông Cái Lớn mùa này cây lục bình mọc rất nhiều, có phần cản trở giao thông đường thủy. Nhưng từ lâu, bà con vùng này đã biết tận dụng cây lục bình làm nguyên liệu đan một số vật dụng sinh hoạt. Nhiều tổ hợp tác cũng được hình hành, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm từ cây lục bình.
Chúng tôi đến tham quan HTX Khóm - tôm ở ấp Phước An của xã Vĩnh Phước A. HTX hiện có 50 thành viên chuyên sản xuất và tiêu thụ trái khóm và con tôm thành phẩm. Đất ở vùng này nhiễm phèn, mặn nên khóm là cây chủ lực được trồng rất nhiều theo quy trình sản xuất VietGap.
Để tăng thu nhập, nông dân lên liếp, phía trên trồng khóm, dưới mương liếp thả tôm, cá nuôi và cấy thêm lúa bẹ (lúa mùa). Với cách nuôi trồng này, nông dân nhẹ công chăm sóc, không dùng đến các loại hóa chất, nhưng cây - con vẫn phát triển rất tốt, cho thu nhập cao.
Từ nguyên liệu là trái khóm, người nông dân đã chế biến ra nhiều sản phẩm, như: mứt khóm, bánh khóm, nước khóm, nước màu... Đặc biệt, gạo thành phẩm từ lúa bẹ là gạo sạch, ngon cơm và hiếm. Còn tôm, chắc thịt, rất thơm ngon, những vùng khác không thể bì được.
Chúng tôi cũng đã đến tham quan một số vườn cây ăn trái, như: sầu riêng, măng cụt, ổi, quýt... ở xã Vĩnh Hòa Hưng Nam. Tại đây, nhiều nhà vườn cho biết, đã lập dự án quy hoạch lại vườn cây ăn trái, vừa trồng cây, nuôi cá thương phẩm, vừa tạo cảnh quan, thành lập các khu du lịch sinh thái đón khách du lịch đến tham quan, thưởng thức các món ăn dân dã, đồng quê trong thời gian tới.
Kết thúc chuyến khảo sát, Chủ tịch UBND huyện Gò Quao Võ Văn Trà tâm sự: “Nói về phát triển du lịch, Gò Quao mới vạn sự khởi đầu nan, nhưng chúng tôi đã xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng. Chúng tôi sẽ lắng nghe, học hỏi và sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển du lịch trong thời gian tới”.
Theo bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Trung tâm Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, hiện tại, một số điểm ở Gò Quao như Chùa Thnol Chum - Thủy Liễu, chùa Cà Nhung (xã Định Hòa), hay HTX khóm - tôm... có thể đưa vào khai thác du lịch, đặc biệt là trong thời điểm này.
Tuy nhiên, địa phương cần mở đường vào các điểm, có nhân sự thuyết trình và tạo được một vài sản phẩm lưu niệm đặc trưng...
Anh Trần Văn Thảo, Giám đốc Vietravel (Chi nhánh Rạch Giá) nhận xét, Gò Quao có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng hiện tại rất khó khai thác, bởi điều kiện còn thiếu và yếu.
“Chúng tôi rất muốn từ tiềm năng này sẽ sớm trở thành sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến với Gò Quao. Nếu địa phương cần, chúng tôi sẽ đồng hành trong sự phát triển đó!”, anh Thảo nói.
Nguồn: nhandan.com.vn