Đề xuất giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, khu cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và đề nghị các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các hoạt động, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường.
![](/FileManager/Anh web 2021/Thang 5/1120/giam gia tien dien cho co so luu tru dlich, cach ly covid19.jpg)
Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Công nghiệp chủ trì, đôn đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố triển khai xây dựng “Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19” tại các nhà máy, cơ sở sản xuất tại địa phương.
Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước phối hợp các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu; tính toán, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế mức giá tăng giá đột biến trong nước...
Đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng yêu cầu triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm…
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Điều tiết điện lực xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cục Xúc tiến thương mại có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước ngay cả khi dịch bệnh bùng phát.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt...
Được biết, trong năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có 2 đợt hỗ trợ giảm giá tiền điện cho hầu hết các khách hàng, với tổng số tiền lên tới 12.300 tỷ đồng. Trong đó, hộ tiêu dùng sinh hoạt được giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4, cơ sở lưu trú du lịch và khách hàng có kho chứa hàng hóa được áp dụng mức giảm giá bằng mức giá bán lẻ áp dụng cho các ngành sản xuất; giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19; giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19. Đối với khách hàng là đơn vị bán lẻ điện nông thôn; khu tập thể, cụm dân cư; tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt, thực hiện hoàn trả tiền điện tương ứng với số tiền các đơn vị này hỗ trợ các khách hàng trong địa bàn quản lý thuộc đối tượng giảm giá. Trường hợp khách hàng thuộc nhiều đối tượng được hưởng chính sách giảm giá điện, giảm tiền điện thì được áp dụng đầy đủ các chương trình hỗ trợ.
Lan Phương
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ