Những tín hiệu vui
Trước hết là Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại thành phố Hội An do Thủ tướng trực tiếp chủ trì. Tham dự có các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các tỉnh, thành cùng ngành Du lịch tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, ngành Du lịch có một hội nghị như vậy, thể hiện sự quan tâm của chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chủ trương đổi mới ai cũng đồng tình. Quan trọng là tìm cách thực hiện hiệu quả.
Thứ hai, TP. Hà Nội đã chính thức khai trương tuyến phố đi bộ với không gian rộng mở phục vụ nhân dân và du khách, bước đầu triển khai thí điểm kinh doanh dịch vụ sau 0 giờ nhằm tạo sự phong phú của sản phẩm du lịch, tạo sức hấp dẫn du khách quốc tế. Cùng với đó, Hà Nội cũng quyết định xây mới 1.000 nhà vệ sinh, 200 ghế đá, lắp đặt 50 hệ thống lọc nước tự động nơi công cộng. Hưởng ứng với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng xác nhận sẽ xã hội hóa 1.000 nhà vệ sinh công cộng, xem xét nới lỏng kinh doanh các dịch vụ sau 0 giờ… Ngoài ra, các dự án phức hợp du lịch, nhiều khách sạn cao cấp của các tập đoàn FLC, Vingroup, Mường Thanh… đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho ngành Du lịch. Từng địa phương đều có những chuyển động tích cực về du lịch, từ nhận thức tới hành động..
Thứ ba, ngoài việc tiếp tục gia hạn miễn thị thực cho một số nước, Chính phủ đang triển khai một loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ ngành Du lịch như cấp visa điện tử, sửa đổi Luật Du lịch và lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…
Thứ tư, nhiều điểm sáng rất đáng tự hào và có thể nhân rộng như làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam). Một cách làm du lịch sáng tạo, độc đáo, ít tốn kém mà rất hiệu quả, đã thay đổi hẳn làng quê nghèo ven biển, tạo việc làm cho cả trăm người, làm nên một thương hiệu du lịch độc đáo. Hay hệ thống du lịch cộng đồng homestay (CBT) hoạt động hiệu quả ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa và đang triển khai ở Quảng Nam, Đồng Tháp. Homestay CBT đã phá vỡ vòng lẩn quẩn và bế tắc của kiểu kinh doanh lưu trú cùng dân một cách dập khuôn theo lý thuyết từ nước ngoài. Nhiều mô hình kinh doanh du lịch, ẩm thực sáng tạo, đơn giản mà vẫn hút khách, tạo thương hiệu như “Nam Phương Linh Từ” ở Lấp Vò, Đồng Tháp; là “hủ tíu Bà Sẩm” ở Sa Đéc, Đồng Tháp…
Mấy kiến nghị
Một là, điều chỉnh lại tiêu chí hướng dẫn viên (HDV) theo hướng “chuẩn nghiệp vụ và học vấn (không phải văn hóa) chung cả quốc tế lẫn nội địa, chỉ khác nhau về chuẩn ngoại ngữ”. Về học vấn chỉ cần trung cấp (dạy nghề) cho cả quốc tế lẫn nội địa. Dĩ nhiên học cao đẳng hoặc đại học càng tốt. Giữ nguyên chuẩn ngoại ngữ cho HDV quốc tế. Chú trọng hơn phần nghiệp vụ thực tế và vai trò “thay mặt công ty, đại diện quốc gia” của các HDV. Có lộ trình cụ thể. Nên chăng trước khi cấp thẻ phải quy định thời gian tập sự, có xác nhận của công ty lữ hành. Khi cấp lại thẻ cũng vậy, để nâng cao chất lượng đội ngũ HDV.
Hai là, triển khai ngay việc “nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ”, việc này không tốn tiền và có thể tiến hành ngay. Việt Nam chưa thể cạnh tranh với các nước phát triển về chất lượng dịch vụ nhưng không thể thua kém họ về tinh thần và thái độ phục vụ, thậm chí phải hơn hẳn.
Ba là, vận dụng cách làm của Đồng Tháp, phải “nâng cao quan trí” về du lịch để thành những hành động cụ thể. Xác định lại thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam là “ẩm thực” rồi mới đến tài nguyên khác để có hướng đầu tư hiệu quả. Có thể nói, du lịch có“thiên thời, địa lợi”.
Bốn là, cần cơ chế để các ngành tham gia, cùng tháo gỡ khó khăn cho du lịch. Mạnh dạn miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng. Đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục cấp visa. Các vấn nạn về trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, nhà vệ sinh, giao thông… phải làm đồng bộ và quyết liệt. Nếu làm được, Du lịch Việt Nam nhất định sẽ tăng tốc.
Nguyễn Văn Mỹ