Nhiều người nói rằng, nếu đến Huế mà không một lần lên thuyền xuôi dòng Hương Giang, ngắm nhìn những kiến trúc hài hòa soi mình bên bờ sông Hương thơ mộng hay thả hồn theo điệu hò Nam ai Nam Bình đậm đàứ sâu lắng... là chưa đến với Huế trọn vẹn.
 |
Một góc của khu vực vạn đò |
Hình ảnh trái chiều
Huế của những cung điện, đền đài lăng tẩm. Huế của nét thơ mộng và tĩnh lặng. Huế của dòng sông Hương nổi tiếng. Và còn một Huế khác trong lòng du khách - Huế của những con đò độc mộc đến những chiếc thuyền rồng rực rỡ và sang trọng trôi êm giữa dòng Hương Giang...
Những con đò trên sông Hương còn là thế giới riêng của những người "kẻ vạn" (nghĩa là những người sống trên mặt nước tổ chức thành những "vạn"). Một vạn đò trên sông có thể xem như một phường dân trên bờ. Theo thống kê của UBND TP. Huế, dòng sông Hương và các chi lưu của nó như Đông Ba, Bạch Đằng, Kẻ Vạn, Như ý… là "nhà" của khoảng 1.069 hộ dân vạn đò với 6.168 khẩu đang sinh sống... Con đò vừa là phương tiện kiếm sống vừa là nhà ở của hàng ngàn người chọn "sông" làm nơi cư trú.
Hàng trăm con đò nằm từng cụm tại khu vực cầu Gia Hội, cồn Hến, Bạch Đằng - Huỳnh Thúc Kháng, mỗi con đò thường chứa khoảng 2 - 10 người tùy theo kích cỡ. Theo kế sinh nhai, các "xóm" vạn đò thường chia ra thành những vạn chài chuyên đánh cá, vớt cát sạn, đưa đón khách (một số ít lên bờ buôn thúng bán bưng ở chợ Đông Ba, đạp xích-lô hay làm mướn...). Với sự bấp bênh của nghề nghiệp và cuộc sống, "những dãy nhà" của họ cũng không tránh khỏi sự nhếch nhác, tuềnh toàng.
Sông Hương vốn nổi tiếng trong xanh là thế nhưng càng vào gần bờ, càng đến khu vực vạn đò càng thấy nhiều rác và phế thải nổi lềnh bềnh. Trong một lần tham quan khu vực vạn đò ở chân cầu Gia hội, chị Vĩnh - một người dân của xóm vạn đò chèo thuyền chở chúng tôi đã cười mà bảo rằng: "Rác trôi trên sông rồi sẽ ra biển và sông lại sạch ngay thôi mà...". Với "triết lý" hồn nhiên đó, cùng với sự “bành trướng” ngày càng đông của lượng nhân khẩu, tất cả các chất thải đều được đổ ra sông. Sự lãng mạn, trong xanh của dòng sông đã không còn nữa.
Tìm một lời giải
Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, các giá trị trung bình của thông số tổng coliform (mật độ vi khuẩn gây bệnh trong nước) tại các điểm khảo sát trên sông Hương và các sông chi lưu khác đều vượt quá giá trị giới hạn cho phép từ 5 đến gần 30 lần. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc thải các chất thải sinh hoạt vào nguồn nước một cách phổ biến của các cư dân sống trên sông và ở ven sông.
Một trong những nội dung quan trọng mà TP. Huế đang hướng đến là xây dựng Huế thành một thành phố sinh thái xanh, sạch, đẹp. Trong đó, vấn đề di dân vạn đò ra khỏi sông Hương luôn là một yêu cầu quan trọng được đặt ra. Theo tính toán sơ bộ của các cơ quan chức năng với số dân đã nêu ở trên, thì tỉnh cần phải tập trung đầu tư khoảng 500 tỷ đồng và với thời gian từ 3 đến 5 năm mới đưa được toàn bộ dân vạn đò lên bờ định cư, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân và trả lại vẻ đẹp cho dòng Hương Giang. Huế đang xây dựng đề án định cư, theo chủ trương sẽ di chuyển hơn 100 hộ dân trong tổng số hơn 210 hộ dân vạn đò lên ở hẳn trên bờ và đến năm 2011 sẽ hoàn thành việc di chuyển tất cả những hộ dân còn lại. ước tính, Thành phố phải đầu tư khoảng 236 tỷ đồng để thực hiện đề án này.
Tuy nhiên, việc đưa dân vạn đò lên bờ định cư ở Thừa Thiên - Huế không phải là vấn đề dễ dàng, do tập quán của các cư dân đã quen với cuộc sống trên sông nước, và công việc mưu sinh hàng ngày của họ thường "gắn" với dòng sông. Vì vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa phải nhanh chóng tìm nguồn lực, vừa tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Trung ương, vừa phải nghiên cứu và có biện pháp quản lý chặt chẽ, triệt để tránh trường hợp chuyển nhượng trái phép dẫn đến tình trạng các hộ được giao đất trở lại sống trên thuyền...
MINH HẠNH