Theo truyền thống, cứ vào 13 tháng giêng hàng năm, người dân xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) sẽ tổ chức lễ rước "ông lợn" nhằm tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng là Tĩnh Quốc Tam Lang thời Hùng Duệ Vương thứ 6.
Ngay từ cuối giờ chiều ngày 17/2 (tức 13 tháng Giêng Âm lịch), nhiều con đường ngõ xóm trong làng La Phù đã rộn rã tiếng trống chiêng. Người dân từ người già, trẻ nhỏ trong các xóm nô nức ra đường chính xem múa lân... chờ xem rước.
Điểm đặc biệt của lễ hội này là nghi thức rước “ông lợn” đến tế lễ. Mỗi xóm có 3 lễ rước gồm: Mâm xôi, bàn hương hoa quả và kiệu “ông lợn”. "Ông lợn" trên kiệu được trang trí khéo léo và đẹp mắt bằng nhiều phụ kiện sặc sỡ, bắt mắt như tai giả, mắt giả, mũi giả...
Không giống như nhiều lễ hội khác phải tế lễ ban ngày, lễ rước "ông lợn" ở La Phù diễn ra vào buổi tối. Sau khi dạo quanh làng, đến khoảng 21 giờ, các “ông lợn” lần lượt được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của ban tổ chức và các cụ cao niên.
Lễ tế sau đó bắt đầu từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng hôm sau. Tới 7 giờ sáng, toàn bộ gia đình có lợn tế lễ mổ xẻ, làm thịt và tán lộc cho những người dân quanh vùng đã đăng ký.
Ngoài nghi thức rước lợn, Lễ hội La Phù còn độc đáo ở sự kỳ công của người dân từng xóm trong việc chăm nuôi “ông lợn”. Mỗi xóm trong làng chỉ được chọn một chú lợn duy nhất và đó phải là con lợn to béo được chăm sóc cẩn thận, sạch sẽ và tắm rửa hàng ngày.
Ngay từ tháng Giêng năm trước, các xóm đã phải chọn người làm quan đám (đứng ra mổ lợn) và chọn người để nuôi. Dân làng trong xóm góp tiền để trả cho người nuôi lợn.
Theo các cụ cao niên ở La Phù, quá trình nuôi lợn lễ phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, cho ăn uống sạch sẽ, vệ sinh, không được cho lợn ăn thức ăn thừa, ôi thiu. Chế độ ăn của “ông lợn” rất đặc biệt như cháo gạo nếp, rau củ tươi. Cám phải là cám gạo trộn với ngô xay hoặc gạo nếp được nấu chín…
Từ ngày nuôi đến ngày làm lễ, lợn có trọng lượng tới 300kg. Người La Phù quan niệm, trong một năm "ông lợn" được chăm sóc chu đáo, khỏe mạnh và lễ rước thành công thì năm đó sẽ mang lại nhiều may mắn, mọi việc thuận lợi, suôn sẻ hơn.
Người dân ở đây cũng cho biết, ngay cả người được chọn nuôi lợn cũng cần phải “tuyển chọn” kỹ lưỡng. Nhà nuôi lợn cần phải đảm bảo 5 tiêu chí gồm: Vợ chồng phải song toàn; Gia đình phải có con trai, con gái; Nhà không có tang tóc; Làm ăn phải nề nếp, lối sống văn minh, không mắc các tệ nạn xã hội... Nếu bố mẹ có tốt đến đâu mà con cái nghiện ngập, cờ bạc cũng không được chọn.
Gia đình nuôi lợn phải tuyệt đối không được cho ăn cám tăng trọng, không cho người lạ vào xem vì có thể mất thiêng dẫn tới “ông lợn” ốm hoặc chết. Người được giao nhiệm vụ nuôi lợn phải đảm bảo lợn khi đến ngày làm lễ phải có làn da hồng hào, không bị các nốt đỏ như muỗi đốt...
Lễ hội rước “ông lợn” được tổ chức tại La Phù suốt 300 năm qua. Thường cứ 5 năm, xã La Phù sẽ tổ chức một lễ hội lớn một lần còn gọi là đại đám, những năm còn lại là lễ hội thường niên. Theo lịch thì đến năm 2020, làng sẽ tổ chức đại đám, còn năm nay là lễ hội thường niên.
Nguồn: giadinh.vn