.jpg)
Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ câu khẩu ngữ trên được nói lái từ câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” để nói về phong tục tập quán của người Việt trong năm mới. Đặc biệt, với cái tâm của những người con đất Việt luôn hướng về cội nguồn, cõi phật để thắp nén tâm nhang cầu chúc cho một năm mới được mạnh khỏe, bình an, nhà nhà hạnh phúc và nhân khang vật thịnh. Do đó, nơi đây đã trở thành một điểm tham quan du lịch tâm linh của nhân dân và du khách thập phương trong những dịp Tết đến Xuân về.
.jpg)
Thông tin từ Trung tâm TTXT Du lịch Thái Nguyên cho hay, dịp Tết Nhâm Dần lượng khách đến các điểm du lịch trong tỉnh đã có sự khởi sắc trở lại, đặc biệt là các điểm đến du lịch tâm linh, sinh thái. Theo thống kê, từ 1-6/2, Thái Nguyên đón và phục vụ gần 150.000 lượt khách. Trong đó, riêng Cụm di tích lịch sử văn hóa đình - đền - chùa Cầu Muối đạt trên 75.000 lượt.
.jpg)
Theo chia sẻ của đa số du khách đã từng tới đây, Cụm di tích lịch sử văn hóa đình - đền - chùa Cầu Muối đã tạo được sức hút do mang những nét riêng và khác biệt, nhất là dịp Tết - tháng Giêng. Bởi theo quan niệm của người dân, nơi đây vừa hòa đồng trong cảnh quan của làng quê bìnhdị êm ả, vừakết tinh khẳng định bản sắc riêng độc đáo như biểu hiện một sức mạnh thiên nhiên vùng “địa linh hội tụ long mạch” với sự huyền diệu mà con người hoài niệm, khát vọng. “Chùa Cầu Muối nằm thế tựa sơn, cảnh mây núi bao phủ, gió mát quanh năm, gắn với nhiều chi tiết li kì, thần thoại. Không chỉ vậy, trước cửa chùa còn có cây Trâm Mai cổ thụ đã hơn 300 năm tuổi cành lá xum xuê tỏa bóng… nên năm nào gia đình anh cũng lựa chọn dịp đầu năm viếng chùa để chiêm bái cầu mong sức khỏe và tài lộc cho cả nhà” - anh Lý Đức Tùy (TP. Thái Nguyên) cho hay. Cũng theo anh Tùy, “Người xưa quan niệm, đến Cầu Muối mua muối đầu năm mới vì muối mặn có thể xua đuổi tà ma đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bên cạnh đó, tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, sự mặn mà trong các quan hệ làm ăn, sự đầy đủ; trọn vẹn và no ấm cả năm… như vị đậm đà của muối”.
.jpg)
Còn chị Đào Thị Mai (Hà Nội) lại khá ấn tượng và thích thăm viếng chùa Cầu Muối không chỉ dịp đầu năm mới mà còn có thể tới đây khi có thời gian. Bởi chị Mai cho rằng, chùa nằm trên một đồi thoai thoải, trong khung cảnh thiên nhiên đẹp, xung quanh có đồng ruộng, đồi cây tươi tốt, thoáng mát, với khuôn viên sân chùa rộng rãi khiến tâm hồn chị cảm thấy thư thái, tĩnh tại. Tuy nhiên, chị Mai cũng bày tỏ, trong cụm di tích này có lẽ thu hút nhiều du khách nữ hơn cả là đền Công Đồng Cầu Muối. “Đây là nơi thờ tự chính của Đạo Tứ Phủ, được tương truyền là rất linh ứng và thiêng liêng. Có lẽ chính vì vậy, hàng năm nơi đây thu hút rất đông khách thập phương. Qua 3 lần đầu thai, bà Chúa Liễu Hạnh nổi tiếng về sự hiếu đạo, được người đời truyền tụng và suy tôn làm mẹ của muôn người. Bà là biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ. Bà đề cao hạnh phúc, quyền tự do và độc lập. Các nguyên tắc của Mẫu Liễu Hạnh về trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt đã trở thành thông điệp về sự bảo vệ và hy vọng vào công bằng xã hội cho nhân dân” – chị Mai nhìn nhận.
.jpg)
Ông Vũ Đình Thực, thành viên thường trực Ban Quản lý Cụm di tích đình - đền - Chùa Cầu Muối cho biết, năm nay du khách đến đây tham quan, lễ chùa khá đông nhưng lượng khách rải đều vào các ngày nên không xảy ra hiện tượng ùn tắc, an ninh đảm bảo tốt. Mọi người đều có ý thức phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp đảm bảo linh hoạt, thích ứng an toàn tại Cụm di tích.
Một số điểm du lịch tại Thái Nguyên du khách có thể ghé thăm dịp đầu năm mới như: đền Đuổm (huyện Phú Lương); Khu di tích lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa; Khu sinh thái Nhà Tôi (huyện Phú Lương); Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân; phim trường Wonderland (TP. Thái Nguyên); Khu du lịch hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công), Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Đại Từ)...
|
Được biết, Cụm di tích nằm ở trung tâm làng Cầu Muối thuộc xã Tân Thành, Phú Bình, cách thủ đô Hà Nội chừng 70km về phía Đông Bắc, cách trung tâm thành phố Thái nguyên 40km về phía Đông Nam. Cầu Muối được gọi theo địa danh của làng. Cụm di tích này gồm có: đình Cầu Muối thờ thành hoàng làng là Cao Sơn Quý Minh Đại Vương; 2 ngôi đền có tên: đền Thượng và đền Công Đồng; chùa Cầu Muối có tên chữ là Linh Sơn Tự. Theo nội dung văn bia khắc trên cây hương đá Linh Sơn Tự ở cửa chùa, Cụm di tích lịch sử văn hóa đình – đền - chùa Cầu Muối được nhân dân dựng lên vào năm 1719, tức năm Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thịnh cách đây hơn 300 năm.
Nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của nhân dân trong làng mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện, Cụm di tích này còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc có giá trị nghệ thuật và niên đại cổ xưa như: chiêng núm đồng; chuông nhí đồng; giá văn tế; nhang án; ngai thờ; cối đá; 5 bát hương gốm cổ; 23 pho tượng và ở chùa Cầu Muối hiện còn lưu giữ được cây hương đá tứ diện Linh Sơn Tự được lập vào năm Hoàng triều Vĩnh Thịnh 14 (1719). Lễ hội chính Cụm di tích đình – đền – chùa Cầu Muối diễn ra vào mùng 4 Tết và kéo dài trong cả tháng giêng hàng năm. Ngoài ra, Cụm di tích còn mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần để phục vụ nhu cầu người dân và du khách.
Cụm di tích đình – đền – chùa Cầu Muối sẽ là lựa chọn khá phù hợp với du khách từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và là một trong nhiều địa chỉ không thể bỏ qua khi đến với Thái Nguyên – nơi từng được đánh giá là địa phương ghi dấu ấn sớm nhất trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Đình Cầu Muối là nơi thờ Thần Hoàng Làng - Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh) một tướng tài dưới thời nhà Lý. Đình được xây dựng với Tiền đình và Hậu cung gồm 2 gian dài 6m, rộng 4,5m; bộ khung bằng gỗ Lim; mái lợp ngói Đáp Cầu; tường xây 3 phía theo kiểu “tường hồi bít đốc”. Nơi thờ Dương Tự Minh nằm ở gian thứ 2 trong hậu cung. Tại đây còn lưu giữ hương án và ngai thờ là những hiện vật gốc tại đình Cầu Muối.
Cách đình, chùa Cầu Muối 150m về phía Bắc là đền Công Đồng nằm trên một quả đồi cao hình bán nguyệt có độ cao trung bình so với mặt bằng xung quanh khoảng trên 50m. Đền kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền tế và một gian hậu cung. Trước cửa đền Công Đồng là một khoảng sân rộng phía trước dựng một án hương thờ Mẫu Bán Thiên Công Chúa, trên hương án trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt. Hai bên lập am thờ Quan Sơn Thần (phía trái) và Mẫu mẹ (phía phải). Tòa tiền tế ba gian dài 9m, rộng 4m, diện tích 36m2. Hậu cung dài 5m, rộng 4m, diện tích 20m2. Ba tán cây Sau Sau cổ thụ chừng 200 năm tuổi tỏa bóng mát khuôn viên, tạo không khí trong lành, thoáng mát cho du khách.
Cách đền Công Đồng 300m về phía Tây Bắc là đền Thượng. Đền tọa lạc trên một quả đồi cao chừng trên 100m so với mặt bằng xung quanh, trông xa như hình một con voi phủ phục. Kiến trúc đền Thượng theo kiểu chữ Đinh (J) (nhân dân thường gọi là chuôi vồ). Đền được tôn tạo lại năm 1999. Mái đền lợp ngói, tường hồi bít đốc. Tiền bái ba gian dài 7m, rộng 4m, diện tích 28. Hậu cung dài 5m, rộng 3m, diện tích 15. Đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn – vị thánh trong “Tứ Bất Tử” của đạo Tứ Phủ.
|
Bài: Khải Bình
Ảnh: Sở VHTTDL Thái Nguyên