Là một tên tuổi nổi bật trên thương trường, một cây bút sắc sảo trong lĩnh vực báo chí kinh tế, thời gian gần đây, nữ doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo lại tạm “gác kiếm” kinh doanh để xây dựng cho riêng mình một “ngôi nhà thanh tịnh”, nơi bà muốn chia sẻ với du khách một không gian sống gần gũi, hòa quyện với thiên nhiên và một lý tưởng sống xuất phát từ cái tâm trong sáng.
Tịnh cư Cát Tường Quân được xây dựng năm 2009 trên diện tích 3.000m2 giữa hai triền đồi thông, trên quần thể đồi Thiên An, nơi những ngọn đồi nối tiếp nhau trùng điệp, điểm cuối của ngọn đồi này lại là nơi bắt đầu của ngọn đồi khác. Thế đất đó là một thách thức hấp dẫn với nữ doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo và các kiến trúc sư, song cũng là lợi thế để xây dựng lối kiến trúc nhà bậc thang đặc sắc của Đà Lạt, đỉnh của ngôi nhà này là sàn của ngôi nhà khác.
Là một quần thể kiến trúc nhà rường được xây dựng theo hình chữ khẩu, mô hình quy hoạch vốn chỉ dùng trong cung điện và các ngôi chùa, Tịnh cư Cát Tường Quân vừa mang vẻ trang nghiêm của hoàng thành vừa có sự thanh tịch, yên bình của chốn thiền tự. Hướng Đông của tịnh cư là nhà Thượng 5 gian 2 chái, gian giữa dành thờ phật Thích Ca Mâu Ni và tư tưởng cư trần lạc đạo của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông; hướng Tây là ngôi nhà thiền, không gian trà đạo yên tĩnh, nơi có các lớp học yoga, tập thiền, tổ chức các buổi tọa đàm về triết lý nhà phật hay các buổi hòa nhạc… Trong khuôn viên tịnh cư còn có một thư viện với nhiều đầu sách quý, thuộc nhiều lĩnh vực như triết học, khoa học, chính trị, lịch sử, phật học, văn học… Ở gian giữa của ngôi nhà này là bức họa Quán Thế Âm được chế tác tinh xảo bằng bạc do nghệ nhân Nguyễn Hữu Nhơn, tộc trưởng tộc kim hoàn Huế thực hiện. Trên lối đi nhỏ giữa những vườn cây lá rợp bóng là bức tượng Nhị Tổ Huệ Khả với nụ cười hỷ xả như níu giữ bước chân du khách. Các ngôi nhà rường ở đây đều được chạm khắc hoa văn trang nhã, công phu như một tác phẩm nghệ thuật. Những đồ vật dù rất nhỏ như đồ sành sứ, các vật dụng trang trí đều có logo Cát Tường Quân vì được thiết kế riêng và được bày biện rất tinh tế.
Tịnh cư Cát Tường Quân được xây dựng trong 3 năm, với nhiều tâm huyết của nữ doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo và các kiến trúc sư, nghệ nhân lành nghề. Theo nữ doanh nhân, tại vườn Thanh Trà trong khuôn viên tịnh cư, ngày đặt đá khởi công có chôn hai viên gạch cổ thỉnh tại Hương thất Phật Thích Ca Mâu Ni trong vườn Cấp Cô Độc (Tịnh xá Kỳ Hoàn), đá trong động Ngài Xá Lợi Phất và Ngài A Nan thỉnh tại núi Linh Thứu, có cát sông Hằng (Ấn Độ), đá Tháp Tổ Liễu Quán, đá chùa Thuyền Tôn và cát dưới gốc cây bồ đề chùa Từ Đàm, đều là những nơi linh thiêng theo quan niệm Phật giáo.
Nếu như sự tinh tế của những ngôi nhà rường và vật dụng ở đó khiến du khách ngỡ ngàng thì những khu vườn bao quanh bốn phía đem lại cho du khách một cảm giác ấm cúng, nhẹ nhàng và thư thái. Vườn thanh trà lúc lỉu trái, cây mộc tỏa hương thơm ngát và những nhành hoa lan thắm bên những bộ bàn ghế gỗ nhỏ bày rải rác là nơi du khách dừng chân lắng nghe tiếng chim hót, ngắm hoa nở, tìm lại sự thanh tịnh, an yên và nghe được những lời vô ngôn tự trong tâm hồn…
Luôn đau đáu lời truyền dạy của thương gia Lương Văn Can khi định nghĩa về kinh doanh: "Thông qua sản phẩm và dịch vụ của mình để phụng sự xã hội, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn", bà Tạ Thị Ngọc Thảo luôn mong muốn giới thiệu kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam mà đặc trưng là nhà rường Huế, giới thiệu văn hóa sống của người Việt đến bè bạn thế giới. Bà đã mở cửa Tịnh cư Cát Tường Quân để đón khách từ tháng 12/2013, qua công trình kiến trúc đầy công phu này, bà muốn giới thiệu đến du khách vẻ đẹp của con người và tinh hoa xứ Huế - cố đô huyền hoặc.
Trang Đào
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)