Chỉ hơn một tháng sau, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai (từ ngày 16 đến 20-7-1948) do Đảng ta chỉ đạo, được tổ chức. Đây cũng là Hội nghị Thi đua ái quốc của trí thức, các văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy nghĩ về tri thức và văn hoá Việt Nam mới, kết tinh trong hai câu thơ bất hủ:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong
(Cảm tưởng đọc Thiên Gia Thi).
Ngày 16-7-1948 trong thư gửi Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên và kêu gọi tri thức, các nhà hoạt động văn hoá văn nghệ tích cực tham gia đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, trong phong trào thi đua ái quốc của toàn dân tộc. Người chỉ rõ “Nhiệm vụ của văn hoá chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hoá ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu đời sau”(1).
Bức thư với lời văn thân tình, hàm súc của Hồ Chủ tịch đã được đọc trân trọng vào sáng 16-7-1948, khai mạc Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai, tại Việt Bắc.
Ngày 18-7-1948, thay mặt Đảng ta, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, đã trình bày báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam” - một văn kiện hoàn chỉnh đầu tiên của Đảng ta về trí thức và văn hoá văn nghệ Việt Nam trong kháng chiến 9 năm (1945-1954).
Báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam” được tập trung vào ba ý tưởng: ý tưởng tuyên truyền chủ nghĩa Mác vào Việt Nam; ý tưởng xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ mới của nước nhà; ý tưởng xây dựng nền văn hoá văn nghệ Việt Nam mới, cùng đồng nghĩa với xây dựng nền văn hiến mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Báo cáo đã trình bày kỹ quan điểm chủ nghĩa Mác về văn hoá và khái quát lập trường văn hoá mác xít của Đảng ta, của tri thức văn nghệ sĩ mới nước ta, trong cách mạng dân tộc dân chủ và cả thời kỳ cách mạng XHCN sau này.
Đồng chí Trường Chinh khẳng định: “Học thuyết Mác mà những thiên tài văn hoá lỗi lạc trên thế giới hiện nay… đã công nhận là đúng và đã tự lấy làm vinh dự được làm đồ đệ học thuyết ấy, đang hướng dẫn cả nhân loại cần lao và tiến bộ phấn đấu cho một ngày mai tươi sáng hơn. Đó là học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Mác…
Các nhà văn hoá nước ta muốn phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc và loài người một cách có hiệu quả, tưởng không gì bằng tìm hiểu học thuyết đó, học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Mác”.(2)
Tiếp đó, đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ: muốn hoàn thành nhiệm vụ chính trị - văn hoá trong kháng chiến kiến quốc, để xây dựng nền văn hoá Việt Nam mang tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, cần có người trí thức, tổ chức, văn hoá văn nghệ mới. Thái độ của người trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam mới là:
“1- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với kháng chiến; không thoả hiệp với tư tưởng và văn hoá phản động, không trung lập, không giữ thái độ bàng quan.
2- Yêu khoa học, lấy khoa học Mác xít làm kim chỉ nam cho hành động, biết và làm đi đôi, lý luận và thực tiễn kết hợp.
3- Một lòng một dạ phục vụ nhân dân; gần gũi quần chúng công, nông, binh, cảm thông với quần chúng, học hỏi nhân dân, nhưng giáo dục, dìu dắt nhân dân.
Đó là thái độ chân chính của các chiến sĩ văn hoá mới chúng ta, và cũng là bí quyết thành công của chúng ta“(3).
Với lập trường văn hoá và thái độ tình cảm mới, các nhà văn hoá, trí thức, văn nghệ sĩ, gắn bó với nhau trong tổ chức thống nhất của Mặt trận dân tộc thống nhất của Tổ quốc, do Đảng lãnh đạo, tham gia kháng chiến, kiến quốc, thi đua ái quốc.
Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai diễn ra trong 5 ngày (16 đến 20-7-1948). Tiếp đó, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức từ ngày 23 đến 25-7-1948. Hơn 80 văn nghệ sĩ đại biểu của các ngành văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật từ các nẻo đường kháng chiến đã về dự, chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, bầu ra Ban chấp hành của Hội, với sự tham gia của một số đồng chí thuộc Tiểu ban Văn nghệ Trung ương. Đồng chí Trường Chinh lúc bấy giờ là Tổng Bí thư của Đảng, Trưởng ban Tuyên truyền của trung ương, trong đó có Tiểu ban Văn nghệ. Đồng chí cũng là Tổng biên tập tờ báo Sự Thật - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng lúc bấy giờ. Đồng chí Tố Hữu được Trung ương giao trực tiếp tổ chức chỉ đạo công tác văn nghệ. Công tác trong Tiểu ban Văn nghệ có các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Hải Triều, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Nguyễn Sơn… Sau Hội nghị, các văn nghệ sĩ nô nức đi vào cuộc kháng chiến với khẩu hiệu “Cách mạng hoá tư tưởng, quần chúng hoá sinh hoạt...”.
Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời (25-7-1948) là sự tiếp nối Hội Văn hoá cứu quốc thành lập năm 1943 và là tiền thân của Ủy ban Toàn quốc các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày nay. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Hội Văn nghệ Việt Nam, Ủy ban Toàn quốc các Văn học Nghệ thuật Việt Nam, trong 60 năm phát triển, trưởng thành đã kiên định, nhất quán thực hiện ba quyết tâm chiến lược tư tưởng văn hoá của Đảng ta là:
- Quyết tâm bảo vệ, phát triển, truyền bá những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tư tưởng văn hoá của đất nước.
- Quyết tâm xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ có đức, có tài, đồng bộ, của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp dựng nước, giữ nước.
- Quyết tâm xây dựng nền văn hoá văn nghệ mới Việt Nam, dân tộc khoa học, đại chúng, tiên tiến, hiện đại dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và CNXH.
Ba quyết tâm chiến lược tư tưởng, văn hoá văn nghệ nói trên đã được khẳng định trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong báo cáo: “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh trình bày tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai, tháng 7-1948. Trải qua 73 năm, Tổ quốc Việt Nam hôm nay đang là Tổ quốc có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là Tổ quốc có nền văn hiến từ nghìn năm xưa, tiếp tục phát triển tới mai sau, là Tổ quốc- văn hiến - rạng rỡ trong cộng đồng văn hoá các dân tộc trên thế giới./.
Nguồn: tuyengiao.vn