Myanmar gần ta lắm. Gần về địa lý. Gần về cảnh quan, phong tục, tập quán, tín ngưỡng... Có nhiều trùng hợp lịch sử giữa hai nước. Việt Nam và Myanmar cùng lập quốc khoảng đầu thiên niên kỷ I (tr. CN). Qua nhiều thay đổi vương triều, đến thế kỷ 14 cùng chịu họa Nguyên Mông. Thế kỷ 14, vào lúc anh hùng Nguyễn Huệ đại phá quân Tôn Sĩ Nghị thì nhân dân Myanmar bốn lần đẩy lùi xâm lược Mãn Thanh. Sang thế kỷ 19, Myanmar bị áp đặt vào đế chế Anh thì nước ta gánh ách đô hộ của thực dân Pháp. Cho đến khi buộc phải trao trả độc lập cho Myanmar, người Anh chia cắt nước này thành 7 vùng hành chính và lập 7 bang tự trị. Bảy vùng là địa bàn của người Bamar, dân tộc chiếm đa số (từ đó có tên nước gọi theo tiếng Anh là Burma, tiếng Pháp: Birmanie). Bảy bang là các dân tộc thiểu số, hợp với bảy vùng lãnh thổ thành Liên bang.
Chưa thể gọi Myanmar là nước phát triển, cho dù tài nguyên rất phong phú. Tuy nhiên, về chùa chiền lăng tháp thì có thể khẳng định: không mấy nơi sánh bằng. Đâu đâu cũng rực rỡ vàng son. Giữa màu xanh bốn mùa cây cỏ, bên cạnh các nhà cửa rêu phong tàn tạ, hễ thấy rạng ngời một điểm sáng, cầm chắc đó là nơi thờ phụng hay hội điểm tâm linh. Vàng son lộng lẫy tỏa lên từ hàng trăm hàng ngàn ngọn tháp. Đến các cổng ra vào và những bức tường bao của mọi ngôi chùa đều nhất loạt rạng màu sơn tươi rói, tưởng chừng chưa bao giờ chịu dấu vết thời gian, cho dù nhiều cái đã hàng ngàn, hàng trăm năm tuổi. Dường như bao nhiêu của cải của nhân dân, của đất nước đều dồn tụ vào chùa chiền, bảo tháp, tượng ảnh linh thiêng.
Trên đất nước Myanmar, có ngôi chùa lừng danh thế giới, với ngọn tháp vàng hùng vĩ cao gần trăm mét, đứng bất kỳ đâu trong thành phố Yangon 4 triệu dân cũng có thể nhìn thấy, mang cái tên không thể nào khác là chùa Vàng (Shwedagon Pagoda). Tại cố đô Bago, thủ phủ vùng Hạ Miến, tọa lạc ngôi tượng Phật Nằm vĩ đại nhất hành tinh với nét mặt đẹp vô cùng thánh thiện, yên bình của đức phật tổ: chùa Phật Nằm (Kyaukhtagyi Pagoda). Tại cố đô khác là Bagan, thủ phủ vùng Thượng Miến, chẳng biết có từ bao giờ đền Dhamma Yan Gyi, mà quy mô đồ sộ và kiểu dáng độc đáo cho đến nay vẫn là một thách đố cho các nhà sử học. Càng tới gần các điểm tâm linh, càng chiêm ngưỡng sâu các chi tiết, càng ngỡ ngàng tới mức “kinh hoàng” trước công phu nghệ thuật và sự lộng lẫy giàu sang.
|
Chùa Vàng ở Yangoon - Myanmar |
Chùa Vàng, theo truyền thuyết, đã có từ 2500 năm. Các nhà khoa học ước lượng ngọn tháp được vương triều Môn xây dựng vào khoảng thế kỷ 6 trở về sau. Chùa phụng lưu tám sợi tóc của đức phật Thích Ca. Chùa từng bị hư hỏng, tàn phá nhiều lần, và cứ sau mỗi lần hư hại, chùa mới xây lên lại hoành tráng hơn. Có ông vua và bà chúa xuất gia cung hiến số vàng riêng, cân nặng bằng thể trọng mỗi người, dùng ốp mặt ngoài ngọn tháp. Ngày nay, đứng ở sân chùa Vàng, ngước nhìn lên thấy rõ dưới ánh nắng nét ốp các tầm vàng hình chữ nhật. Thân tháp ốp 8.688 tấm, ngọn tháp 15.153 tấm vàng ròng. Đỉnh tháp, mắt thường khó nhìn rõ, được trang hoàng bằng cả một kho báu: 5.448 viên kim cương, 2.317 viên hồng ngọc, bích ngọc, 1.065 lục lạc vàng, và trên đỉnh cao chót vót, viên hạt xoàn 76 carat. Quây quần quanh tháp chính là hàng trăm chùa, tháp nhỏ hơn, mỗi cái là một công trình kiến trúc đặc sắc hài hòa trong tổng thể.
Trên đất nước này tới những nơi linh thiêng, ai cũng cởi giày dép, tháo tất, đi chân trần cung kính khiêm nhường. Đông đúc mà không chen lấn, nhộn nhạo. Chắp tay đứng trước phật đài, du khách thực sự cảm nhận lòng mình lâng lâng thanh khiết, yên bình. Thời Myanmar bị người Anh đô hộ, có lần bọn lính thực dân ngạo mạn mang giày đinh xộc vào chùa lùng bắt những người yêu nước. Sự hỗn láo ấy làm dấy lên một phong trào nhân dân căm phẫn phản kháng hết sức rầm rộ, buộc nhà cầm quyền Anh phải nhượng bộ, ra thông tri chính thức yêu cầu mọi người bất kể Á - Âu, ai vào chùa đều phải bỏ giày, tháo tất để bên ngoài.
Có nhiều du khách, song đông đảo nhất vẫn là những người dân ngày ngày vào đây hành lễ. Người Myanmar theo phật giáo Nam tông. Chiều chiều, các đoàn nam nữ thanh niên dàn hàng ngang, hai hàng trước cầm chổi đồng loạt quét bụi trên sân, hai hàng sau dùng que lau dấp nước ẩm cùng lúc lau nền. Các em thay nhau đi vòng quanh sân rộng, giữ cho sân chùa và lối đi lúc nào cũng sạch bụi.
Chùa Phật Nằm ở cố đô Bago. Ngoài bức tượng phật chính có mái che đỡ bằng những trụ thép vững như cột điện, trong chùa còn nhiều điện thờ. Phía bên phải, cách một hành lang, là nơi thờ các sư tổ, tượng đặt trong khám, mỗi vị một dáng song vẻ đều trầm ngâm suy tưởng. Theo sử sách, chùa Phật Nằm xây từ thế kỷ 10, dưới triều vua Miga Depa. Bức tượng hiện nay có niên đại muộn hơn, mới được tôn tạo khoảng đầu thế kỷ 20. Do bản gốc thờ ngoài trời khó tránh sức tàn phá của nắng mưa, đến thập niên 60, người ta mở cuộc cung hiến toàn cầu phục tạo di tích. Tôn tạo được như ngày nay, đã tốn phí chừng 70. 000USD - thời giá bấy giờ.
|
Tượng phật nằm Myanmar |
Tại Bago còn có chùa Shwemawdaw, một trong những điểm được coi là thiêng liêng nhất nước. Tòa tháp cao 114, cao hơn cả tháp chùa Vàng ở Yangon, lại xây trên ngọn đồi, đứng cách xa thành phố 10km đã có thể nhìn thấy đỉnh tháp nổi lên như nét nhấn trong bức tranh toàn cảnh.
Không mấy xa tượng Phật Nằm chùa Kyaukhatagyi, còn có một bức tượng Phật Nằm ngoài trời, tọa lạc cạnh con đường chính nối với Yangon. Nếu tượng trong nhà toát lên vẻ cổ kính thâm trầm, lộng lẫy vàng son ngọc báu pha lê thì tượng Phật Nằm lộ thiên suốt ngày rạng rỡ nắng, ngời ngợi màu son tươi mới và những hoa văn, họa tiết ly kỳ nơi gan bàn chân đức phật.
Tại Bago còn có cung Kambozathadi, xây từ thế kỷ 16. Ngoài những công trình trên mặt đất, các nhà khảo cổ học đã khai quật ở đây vết tích nhiều công trình xưa. Chạy dọc theo con đường chính dẫn vào điện, có thể thấy dấu vết nền móng bức tường thành dài. Trước cổng điện, di tích một công trình xây dựng với những móng nền gạch, chân cột đá, cột nhà gỗ cháy thành than… Tôi tưởng tượng nơi đây dành cho đội bảo vệ cung cư trú. Điện Kambozathadi gây ấn tượng bởi quy mô rộng lớn và sự lộng lẫy của các công trình, cho dù khó tránh khỏi ít nhiều phôi pha màu thời gian.
Bài và ảnh: Phan Quang