Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp nhấn mạnh, Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam 2011 – 2020, tầm nhìn đến 2030 xác định Trung du và miền núi Bắc bộ là một trong 7 vùng du lịch của cả nước, với tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, sẽ đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng kết hợp với nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm và du lịch quá cảnh. Để thực hiện chiến lược, có ba vấn đề quan trọng cần được tập trung là: hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, thể chế và nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực du lịch cho toàn vùng là nhiệm vụ mang tính quyết định, cần được đưa lên hàng đầu để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Công tác đào tạo phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với các đối tượng tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động du lịch của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu và toàn diện.
Các tham luận tại Hội thảo xoay quanh chủ đề định hướng đào tạo nhân lực, những nghề và chuyên ngành cần tập trung đào tạo, thời lượng và hình thức đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Tại đây, nhiều vấn đề cụ thể được đưa ra thảo luận như sự gắn kết và hợp tác giữa ba “nhà”: quản lý, doanh nghiệp, đào tạo; làm thế nào để khuyến khích lao động theo học các nghề có nhu cầu cao nhưng khó tuyển sinh, vấn đề sử dụng lao động trong các doanh nghiệp du lịch, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch trên địa bàn.
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, các đơn vị đào tạo, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp để phát triển du lịch vùng đồng bộ theo chiều sâu, đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo dựng thương hiệu du lịch của khu vực.
Nguyễn Thanh Bình