
Người dân Chi Lăng Nam kể lại rằng: xưa kia, khu vực này vốn là một vùng đồng quê chiêm trũng. Vào đầu thế kỷ 15, những trận đại hồng thuỷ đã làm dải đê lớn ven sông Hồng trải qua ba lần vỡ đê liên tiếp, nước tràn vào cánh đồng không rút đi được nên tạo thành một vùng hồ An Dương rộng lớn với nhiều đảo nhỏ nổi như ngày nay. Rồi đất lành chim đậu, từng đàn cò, vạc, chim nước đủ loại từ khắp nơi về đây cư trú và cái tên đảo Cò cũng xuất hiện từ đấy. Theo thời gian, cò vạc trên đảo ngày càng đông về số lượng và đa dạng về thành phần loài. Hiện nay với diện tích hơn 3.000m2, đảo Cò đã tập trung tới khoảng 15.000 con cò các loài cò trắng; cò hương; cò ruồi, còn, cò ngang, cò lửa..., hơn 5.000 con vạc và nhiều loài chim nước: hạc, bồ nông; moòng két; le le… Trong lòng hồ còn có nhiều loại cá tôm, xung quanh hồ An Dương còn có nhiều loài thực vật thủy sinh, thực vật hoang dã. Sự đa dạng, hài hòa của của các loài chim, cò, thuỷ sản, cây côi, chim muông đã tạo ra một hệ sinh thái độc đáo.
Cò vạc cư trú tại đảo Cò quanh năm, nhưng thời điểm tham quan lý tưởng nhất là vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, là thời điểm mà hàng ngàn con cò ở xứ khác bay về sinh sống và kiếm ăn. Đến với đảo Cò, du khách có cơ hội thực sự hòa mình vào thiên nhiên: ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ trôi nhè nhẹ ngắm nhìn những cánh cò cánh vạc, lắng nghe tiếng chim kêu gọi bầy trong một vùng không gian hoang dã. Tại đây, thuyền đưa du khách thăm hồ không dùng loại xuồng máy mà dùng thuyền với mái chèo gỗ để không gây tiếng ồn ảnh hưởng đến cò, vạc nơi đây. Những người chèo thuyền đều là người dân địa phương, vừa đưa khách tham quan hồ, vừa giới thiệu và trả lời những câu hỏi của du khách.

Cả một không gian với những cánh cò trắng muốt mang đến cho người xem một sự vui thích thực sự. Hàng vạn chú cò, vạc đậu san sát trên các ngọn tre, cành cây, trông xa như những bông tuyết đang rung rinh trong gió. Những cánh cò “bay lả bay la” ấy, cùng những tiếng chíu chít gọi bầy về tổ, lúc trầm lúc bổng tạo thành một bản hòa tấu tuyệt vời rung động sóng nước mặt hồ An Dương. Sáng sớm và chiều tối là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất của đảo Cò, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp trước một cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú vào lúc chiều tà, khi những chú cò trắng, sau một ngày vất vả làm việc trở về tổ, chúng bay thành từng đàn, từng đàn, mỗi đàn lên tới hàng trăm con, chao lượn che kín cả khoảng không gian lòng hồ. Và sau khi những chú cò tìm được chỗ đậu an toàn trên những tán cây quen thuộc thì cũng là lúc những chú vạc nâu mới bắt đầu đi kiếm ăn đêm. Vào lúc sáng sớm, khi đàn vạc kiếm ăn trở về cũng là lúc đàn cò bắt đầu ngày làm việc mới. Đó là thời điểm “giao ca” giữa cò và vạc trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Một nét đẹp của bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam.
Như một viên ngọc quý mà tạo hóa ban tặng, đảo Cò Chi Lăng Nam sẽ mang đến cho du khách những giây phút thoải mái khi được hòa mình cùng thiên nhiên yên bình, thoáng đãng, mang đậm nét thôn quê. Với tiềm năng du lịch hấp dẫn này, đảo Cò sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách của tỉnh Hải Dương.
Lê Thị Diệu Hương
Ảnh: Hải Nam