Danh hiệu thiên nhiên và môi trường (TNMT) là danh hiệu cho một vùng địa lý về thiên nhiên và môi trường, được một tổ chức công nhận khi mà vùng đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định của tổ chức đó. Tại Việt Nam, các địa phương nhận được danh hiệu TNMT, đặc biệt là danh hiệu quốc tế do Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục Liên Hợp quốc - UNESCO, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới - IUCN hay ASEAN công nhận nhằm bảo vệ và phát huy giá trị tài nguyên. |
Hiểu thêm về các danh hiệu TNMT
Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận danh hiệu di sản năm 1994 và 2000, được Tổ chức New7wonders bình chọn là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới năm 2011. Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận năm 2003 và hiện nay đang là thương hiệu lớn về TNMT đẳng cấp quốc tế. Đây là những địa chỉ thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, các nhà khoa học, các chương trình nghiên cứu và giám sát khoa học, bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn thiên nhiên vịnh Hạ Long được chính quyền tỉnh Quảng Ninh quan tâm, giám sát và được nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế trợ giúp.
Là danh hiệu TNMT đặc biệt, khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú, đa dạng. Danh hiệu này được đặt ra nhằm giải quyết một trong những vấn đề thực tiễn quan trọng nhất mà con người đang đối mặt hiện nay: làm thế nào để tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người, giữ gìn phòng thí nghiệm sống cho việc nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát các hệ sinh thái, đem lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương, quốc gia và quốc tế. Tại Việt Nam đã có 8 danh hiệu DTSQ thế giới: rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), Cát Tiên (2001), Cát Bà (2004), ven biển châu thổ sông Hồng (2004), ven biển và đảo Kiên Giang (2006), Tây Nghệ An (2007), cù lao Chàm (2009), Mũi Cà Mau (2009).
Danh hiệu khu đất ngập nước có giá trị quốc tế ramsar do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) công nhận theo Công ước ramsar (1971). Các khu Ramsar chủ yếu bảo tồn các loài chim nước di cư, có yếu tố bảo tồn quốc tế rất cao. Việt Nam đã có 5 danh hiệu cho Xuân Thủy (1989), Bàu Sấu (2005), Ba Bể (2011), Tràm Chim (2012), Cà Mau (2013).
Danh hiệu Vịnh biển đẹp nhất thế giới với một số tiêu chí như: có một môi trường sinh thái với động vật và thực vật thú vị; có vẻ đẹp tự nhiên và hấp dẫn; được biết và đánh giá tại cấp quốc gia; biểu tượng cho cư dân địa phương; có nguồn kinh tế tiềm năng; ít nhất là đáp ứng được 2 tiêu chí của UNESCO trong lĩnh vực văn hóa và thiên nhiên. Việt Nam hiện đã có 3 danh hiệu cho vịnh Hạ Long (2003), vịnh Nha Trang (2005), vịnh Lăng Cô (2009).
Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu một số điểm di sản địa chất nào đó ở mọi quy mô hay một bức khảm về thực thể địa chất có tầm quan trọng khoa học đặc biệt, hiếm có và đẹp, tiêu biểu cho một khu vực và lịch sử địa chất của khu vực đó, những sự kiện hay các quá trình. Nó không chỉ có ý nghĩa địa chất mà còn có giá trị sinh thái, khảo cổ, lịch sử hay văn hóa. Một công viên địa chất đáp ứng cho việc phát triển kinh tế - xã hội đó là sự bền vững về mặt văn hóa và môi trường. Điều này tác động trực tiếp lên khu vực bởi sự cải thiện điều kiện sống của con người và môi trường nông thôn, như vậy, nó tăng cường nhận dạng dân số với khu vực và tạo nên sự phục hồi văn hóa.
Vườn di sản ASEAN là danh hiệu có giá trị để phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục. Để được công nhận là vườn di sản, Vườn quốc gia (VQG) phải đảm bảo được các tiêu chí về tính tự nhiên, hoang dã, tính nguyên vẹn về hệ sinh thái, sự đa dạng và giá trị nổi bật quần thể. Các vườn di sản ASEAN phải thực thi và chịu trách nhiệm về các chính sách bảo tồn sinh vật quý hiếm sống trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam hiện có 5 danh hiệu cho VQG Hoàng Liên, VQG Ba Bể, VQG Chư Mom Ray, khu bảo tồn Kon Ka Kinh, U Minh Thượng.
Các danh hiệu quốc tế về TNMT làm gia tăng sự nổi tiếng của vùng, nhưng cũng sẽ làm xáo trộn cuộc sống và công tác của địa phương. Điều này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền và cộng đồng trong công tác xây dựng quy chế quản lý, điều hành, hướng dẫn và các công tác sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tiếp đón khách du lịch, các nhà đầu tư, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Các danh hiệu TNMT cấp quốc gia kém hơn các danh hiệu quốc tế, nhưng cũng có giá trị quan trọng với du lịch và nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường.
Để gìn giữ và phát huy danh hiệu TNMT
Thứ nhất, xây dựng chiến lược về hình ảnh, thương hiệu du lịch kết hợp cùng các tổ chức liên quan cho các khu danh hiệu TNMT, đặc biệt với các vùng danh hiệu quốc tế của UNESCO, IUCN, ASEAN... với phong cách hiện đại, văn minh và lịch sự. Cần loại bỏ hiện tượng người ăn xin đeo bám khách du lịch, ảnh hưởng tới môi trường du lịch. Tăng cường việc giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức - kiến thức trong mỗi người dân, hướng dẫn viên du lịch; nâng cấp chất lượng các khu lưu trú nghỉ dưỡng và các dịch vụ - tuyến du lịch tham quan theo hướng kinh tế xanh; nỗ lực kiểm soát tốt theo tiêu chuẩn du lịch sinh thái và quy định bảo tồn thiên nhiên, môi trường, treo và tôn vinh, xếp hạng hàng năm cho địa phương có danh hiệu TNMT phát triển.
Thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch sinh thái và cảnh quan ở những địa phương có danh hiệu TNMT. Có thể phối kết hợp giữa các địa phương với nhau để hình thành quy hoạch du lịch các khu TNMT theo không gian, tuyến và điểm du lịch.
Thứ ba, tổ chức truyền thông, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học và cơ chế phù hợp cho các ban quản lý khu vực có danh hiệu và nâng cao hiệu quả sinh kế cho người dân vùng có danh thắng thiên nhiên, đặc biệt là kinh tế và môi trường của các vùng, các tỉnh có danh hiệu TNMT.
Thứ tư, cần phát huy, nhân rộng tấm gương bảo tồn và phát triên dịch vụ, du lịch tại các vùng có danh hiệu TNMT quốc tế như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang, Cát Tiên, Xuân Thủy và các địa phương có danh hiệu quốc gia, cấp tỉnh. Cần có cơ chế huy động, khuyến khích, tôn vinh các cá nhân, tổ chức xã hội, dân sự tham gia vào xây dựng, quản lý các vùng có danh hiệu TNMT.
Thứ năm, xem xét việc thực hiện công bố xếp hạng hàng năm về du lịch kết hợp với bảo vệ danh hiệu thiên nhiên cho các tỉnh và cho các địa danh –vùng có danh hiệu TNMT để giúp phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên một cách bền vững tại Việt Nam.