.jpg)
Là một phần của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” từ năm 2005, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được biết đến là quê hương của đàn đá - một trong những nhạc cụ lâu đời nhất của nhân loại được tìm thấy ở Việt Nam và trên thế giới, có niên đại khoảng 3.000 năm cách ngày nay.
Không những thế, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông còn sở hữu 5 miệng núi lửa trẻ nhưng khá rõ nét và điển hình, cùng hệ thống hang động được xác lập kỷ lục dài nhất khu vực Đông Nam Á với tổng chiều dài lên đến 10km. Độc đáo hơn, một số hang động trong khu vực này đã từng là nơi cư trú của người tiền sử từ 6.000-10.000 năm trước, hiện vẫn còn lưu giữ những hệ sinh thái đặc hữu hiếm có trên thế giới.
Những đặc điểm tự nhiên của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đồng thời cũng là cái nôi hình thành nên sự phong phú và đa dạng của các giá trị văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc, vẫn đang hiện hữu hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống của người dân địa phương.
.jpg)
Với những giá trị đặc trưng và duy nhất ấy, tỉnh Đắk Nông vinh dự được Ủy ban Hang động núi lửa thuộc Hiệp hội Hang động quốc tế (International Union of Speleology - Commision on Volcanic Caves) lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (The 20th International Symposium on Volcanospeleology - ISV20), diễn ra từ ngày 22 – 26/11/2022.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh, sự kiện quan trọng này mở ra cơ hội để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất mang tầm quốc tế trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến bạn bè quốc tế trong và ngoài nước. Đồng thời, thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, làm giàu thêm các giá trị của hệ thống hang động và góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản mang tầm quốc tế của địa phương. Trong khuôn khổ sự kiện, ngoài Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tỉnh Đắk Nông dự kiến đón tiếp khoảng 300 – 350 đại biểu trong nước và quốc tế đến tham dự.
Thông tin chi tiết về Hội nghị được cập nhật tại trang thông tin điện tử ISV20 tại địa chỉ truy cập: http://20isvdaknong.com/
Phương Nhi