Đa phương hóa, đa dạng hóa hợp tác quốc tế để phát triển Du lịch Việt Nam
Trước bối cảnh của thế giới và khu vực, Du lịch Việt Nam trong năm qua tiếp tục phát triển tích cực, những thách thức ngoại lực không phải trở ngại lớn đối với ngành Du lịch trong việc duy trì đà tăng trưởng và nâng cao chất lượng du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Trong nỗ lực chung của toàn ngành, hợp tác quốc tế về du lịch đóng vai trò quan trọng để tăng cường hội nhập, mở rộng kết nối và thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất. Điểm sáng trong năm 2019 của hợp tác quốc tế du lịch là thành công của nhiều sự kiện hợp tác đa phương, mở ra cơ hội xúc tiến, thu hút đầu tư từ các hoạt động mang tính chính trị, góp phần đa dạng hóa hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch.
Trong các khuôn khổ đa phương về du lịch mà Việt Nam tham gia, hợp tác ASEAN được quan tâm, thúc đẩy triển khai thường xuyên nhất nhờ mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa các nước láng giềng và sự chủ động của các nước thành viên cũng như hoạt động điều phối hiệu quả của Ban Thư ký ASEAN. Năm 2019, Việt Nam lần thứ hai đăng cai Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 với chủ đề “ASEAN - Sức mạnh của sự thống nhất” - sự kiện thường niên quan trọng nhất của hợp tác ASEAN trong lĩnh vực du lịch. ATF 2019 diễn ra từ ngày 14 - 18/01/2019 đã thu hút được sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, bao gồm các Bộ trưởng Du lịch, quan chức du lịch cấp cao, đại diện các doanh nghiệp, báo chí, truyền hình trong và ngoài khu vực ASEAN. Bên cạnh những hoạt động chính thức như các Hội nghị Bộ trưởng, Hội nghị Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN với nước đối tác và Lễ trao Giải thưởng Du lịch ASEAN, Hội chợ Du lịch quốc tế TRAVEX 2019 với quy mô 351 gian hàng được tổ chức và trở thành diễn đàn để các bên cung cấp thông tin, giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch. Ngoài ra, Du lịch Việt Nam đã có những đóng góp mang màu sắc quốc gia riêng cho sự kiện với việc tổ chức Hội nghị Du lịch ASEAN chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch ASEAN trong thời đại số”, khảo sát sản phẩm du lịch cho đông đảo các đại biểu doanh nghiệp, báo chí và phối hợp với Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xuất bản “Sách Các câu chuyện du lịch Việt Nam”. Công tác thông tin tuyên truyền về ATF 2019 được thực hiện hiệu quả, đặc biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế như BBC, CNN và các kênh truyền thông của ASEAN. Có thể khẳng định, ATF 2019 đã được đăng cai thành công, đảm bảo thông lệ quốc tế và để lại ấn tượng sâu sắc với các đại biểu. Đồng thời sự kiện đã góp phần nâng cao vị thế của Du lịch Việt Nam trong khu vực, quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia tới bạn bè quốc tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh.
Các cơ chế hợp tác tiểu vùng trong khu vực Đông Nam Á và các nước lân cận như Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS - cơ chế hợp tác gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc), Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Kông (ACMECS - cơ chế hợp tác gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam), Hợp tác bốn quốc gia Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Hợp tác ba quốc gia Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV)… được triển khai đa dạng ở nhiều cấp độ. Nhiều hoạt động du lịch được duy trì thường niên, tập trung vào kết nối xây dựng và xúc tiến sản phẩm du lịch chung, tạo thuận lợi du lịch xuyên quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực với sự hỗ trợ của một số đối tác quan trọng như Ngân hàng châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ). Trong cơ chế GMS, năm 2019 Du lịch Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Hợp tác du lịch hành lang phía Nam lần thứ 6, nhằm thảo luận các biện pháp khai thác các tuyến du lịch hành lang biển giữa Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Hiệu quả hợp tác của các cơ chế tiểu vùng đóng góp không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam, đồng thời thu hút được hỗ trợ kỹ thuật của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế để phát triển cơ sở hạ tầng, điểm đến và sản phẩm du lịch .
Bên cạnh những cơ chế hợp tác du lịch truyền thống được triển khai thường xuyên, trong năm qua Du lịch Việt Nam đã tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác với các thị trường khách quan trọng thông qua một số cơ chế đa phương mới. Đoàn Việt Nam tham dự với tư cách khách mời tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch G20 và các tọa đàm liên quan - diễn đàn về du lịch của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự hiện diện của Việt Nam cùng nội dung tham luận về du lịch bền vững, toàn diện và đảm bảo cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường có ý nghĩa quan trọng, nhận được đánh giá cao từ các nền kinh tế G20 và tích cực quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam tới các đoàn đại biểu. Trong khu vực, với sự tăng trưởng mạnh về lượng khách và chi tiêu của thị trường nguồn Trung Quốc những năm gần đây, Du lịch Việt Nam cùng các nước khu vực sông Mê Kông đang nghiên cứu để tham gia sâu hơn vào các hoạt động du lịch của cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương (MLC - cơ chế hợp tác gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam), với mục tiêu tăng cường kết nối du lịch liên quốc gia và hiệu quả giao lưu nhân dân.
Với phương châm không phải là hoạt động đối ngoại đơn thuần mà có định hướng phát triển thị trường và kết nối doanh nghiệp, hợp tác quốc tế về du lịch đã được đa dạng hóa như lồng ghép hoạt động hợp tác song phương và đa phương, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, kết hợp sự kiện quốc tế với xúc tiến quảng bá để tranh thủ thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển du lịch. Nhiều chương trình gặp gỡ doanh nghiệp du lịch đã được tổ chức bên lề hoạt động chính thức của các đoàn du lịch cấp cao, đồng thời các buổi tiếp xúc song phương giữa cơ quan du lịch hai bên được bố trí trong khuôn khổ chương trình xúc tiến do Du lịch Việt Nam tổ chức tại nước ngoài. Hoạt động hợp tác song phương được tăng cường không chỉ ở cấp cơ quan du lịch quốc gia mà giữa Du lịch Việt Nam với một số địa phương từ thị trường trọng điểm, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản. Quan hệ đối tác với các tổ chức du lịch lớn như UNWTO, PATA (Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương), WTTC (Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới) tiếp tục được thực hiện hiệu quả, mang lại lợi ích về tham vấn chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm chuyên ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Thời gian tới, với mục tiêu triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2035, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của ngành Du lịch, hợp tác quốc tế không chỉ tiếp nhận những thời cơ, thuận lợi mới mà còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình kinh tế thế giới và khu vực, thay đổi trong xu hướng du lịch và hạn chế từ nguồn lực chủ quan của ngành. Tuy nhiên, hợp tác quốc tế luôn là một trong những ưu tiên của du lịch, với trọng tâm đẩy mạnh hội nhập, đa dạng hóa hợp tác quốc tế và chủ động tìm kiếm các cơ hội, nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Trước mắt, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam mang đến cơ hội tốt để ngành Du lịch phối hợp với các ngành khác cùng thúc đẩy hợp tác toàn diện nội khối ASEAN và mở rộng quan hệ với các quốc gia đối tác. Đây cũng là cơ hội để Du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng quảng bá hiệu quả hình ảnh văn hóa, thiên nhiên và con người thân thiện tới các đoàn đại biểu, doanh nghiệp và báo chí quốc tế, tạo ấn tượng tốt đẹp và góp phần vào thành công chung của Năm Chủ tịch.
Trần Phú Cường
Phạm Tố Linh
Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2020