Dự định xây dựng Nhà thờ Lớn được đức cha Paul-Francois Puginier (1835 - 1892), Giám mục địa phận Tây Bắc kỳ, thành viên Hội Thừa sai Paris, ấp ủ từ năm 1873. Được sự can thiệp của viên công sứ người Pháp ở Bắc kỳ và Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ mang tên Nhà thờ Thánh Giuse, tiền thân của Nhà thờ lớn, được dựng lên trên khu đất chùa Báo Thiên - ngôi chùa cổ nổi tiếng linh thiêng của người Việt được xây dựng từ triều Lý (1009 - 1124). Không may, năm 1874, nhà thờ gỗ bị quân Cờ Đen phá hủy gần hết.
Đến năm 1883, mong muốn xây dựng lại nhà thờ chỉ được nhà cầm quyền Pháp tạo điều kiện bằng duy nhất một việc, Đô đốc Courbet, chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc kỳ, ký giấy mở xổ số vốn 5.000 frances và cho phép Đức cha Puginier nhận 100 đầu số.
Không như mong đợi, số tiền thu được từ xổ số chỉ là 17.000 frances, cộng với số tiền dâng cúng tăng lên là 22.000 frances. Trong khi, số tiền ước tính để xây dựng một nhà thờ có sức chứa 3 đến 4 nghìn con chiên là 200.000 frances, nghĩa là mới được 1/10 kinh phí dự tính.
Hai lần Đức cha xin mở thêm xổ số nhưng Courbet đều từ chối. Đức cha rất phiền lòng vì chính quyền thuộc địa thay vì đầu tư nhiều tiền của cho xây dựng dinh thự đã không bỏ một xu cho xây dựng nhà thờ. Tuy vậy, việc xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội vẫn được tiến hành bằng sự nỗ lực của các giám mục địa phận cùng công sức, sự khéo léo của người dân Việt Nam.
Nhà thờ mô phỏng kiến trúc Gô tích của Nhà thờ đức bà Paris nên không có sự đặc sắc trong kiến trúc. Hoàn cảnh đó là không tránh khỏi. Do quá hạn hẹp về kinh phí, nhà thờ không thể có những bức vẽ màu trên lụa, những bức điêu khắc đá kiên cố và tinh tế, nhưng thay vào đó, ở bên trong, phía cung thánh, được trang trí bằng những màn gỗ gắn vào tường trạm trổ tinh vi bởi bàn tay tài hoa của những thợ thủ công người Việt.
Sau 4 năm xây dựng, Nhà thờ Lớn vẫn chưa thể hoàn thành vì thiếu kinh phí. Năm 1886, Đức cha Puginier nỗ lực một lần nữa, vận động Thống sứ An Nam và Bắc Kỳ Paul Bert đồng ý mở đợt xổ số mới với số vốn 6.000 frances. Cộng với hảo tâm của một con chiên người Pháp, số tiền thu được là 11.000 frances.
Để tận dụng tối đa nguồn tài chính có thể có được cho xây dựng nhà thờ, thay tiền mặt, Đức cha đã trao giải thưởng bằng các sản phẩm mỹ nghệ chủ yếu là những đồ gỗ mỹ nghệ được ngài mướn các thợ thủ công tinh xảo người Việt làm (đã được trưng bày và trao giải ở Hội chợ Anvers, tại châu Âu). Như vậy, với tổng số vốn xây dựng 39.000 frances, đến 24/12/1886, đúng dịp Giáng sinh, Nhà thờ Lớn đã được khánh thành.
Từ năm 1887, đồng hồ Nhà thờ Lớn đã đi vào lịch sử, bắt nhịp sinh hoạt của người Hà Nội, đến đầu thế kỷ này, dư vị thanh âm vẫn rất lắng sâu.
Kim Dung
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)