Khi vào cơ thể, methamphetamine phân hủy thành amphetamine. Sự khác biệt chính giữa methamphetamine và amphetamine ở quá trình điều chế và tiềm năng kích thích thần kinh trung ương. METH có tác dụng dược lý mạnh hơn, kéo dài hơn và độc hại hơn so với amphetamine phần lớn do nhóm N-methyl (gọi tắt là "meth") trong công thức hóa học của methamphetamine làm giảm sự phân cực tế bào, cho phép dễ tan trong lipid hơn, dễ xuyên qua hàng rào máu não. Methamphetamine tan được trong nước, có thể sử dụng đường hút, hít, đặc biệt là ở dạng tinh thể có thể dùng đường tiêm, và hấp thụ vào cơ thể nhanh hơn so với amphetamine không methyl hóa, do vậy cho tác dụng mạnh hơn. Hơn nữa, methamphetamine ổn định hơn amphetamine vì khả năng chống suy thoái enzyme monoamine oxidase tốt hơn.
METH cũng gián tiếp ức chế tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh, làm cho chất dẫn truyền thần kinh tồn tại lâu hơn tại khe synap (Scott và CS, 2007).
Amphetamine: C9H15N Methamphetamine: C10H15N
Công thức hóa học của amphetamine và methamphetamine
Ngoài ra, so với amphetamine, METH kích thích mạnh hệ thống thần kinh trung ương, trong khi kích thích rất kém đối với hệ thần kinh và tim mạch ngoại vi. Sự khác biệt nữa là amphetamine gián tiếp kích thích hệ thần kinh trung ương bằng cách kích hoạt phát hành các catecholamine, đồng thời ức chế tái hấp thu và tăng lưu trữ catecholamine tại màng synap trước. Ngược lại, METH trực tiếp kích thích các thụ thể catecholamine ở màng sau synap.
Cả amphetamine và methamphetamine đều có hai đồng phân, levorotary và dextrorotatory. Amphetamine là levoamphetamine (l-amphetamine) thực sự và đó cũng là dextroamphetamine (d-amphetamine). L-amphetamine rất yếu, nó có tác động rất ít lên hệ thần kinh trung ương (CNS) và khả năng gây nghiện yếu. Tuy nhiên, dextroamphetamine lại mạnh hơn amphetamine gấp nhiều lần. Thực tế khi người ta thường nói về ảnh hưởng "tốc độ" (speed) của amphetamine chủ yếu là về dextroamphetamine. Sự khác biệt giữa levo (trái) và dexto (bên phải) được minh họa giống như 2 bàn tay của một người, tuy là 2 chất tương tự, nhưng sức mạnh lại khác nhau. Tuy nhiên, l-methamphetamine không hề có tính chất kích thích tâm thần, hoặc gây nghiện.
METH có thể được dùng theo đường tiêm, hít, hút, hoặc nuốt. Tính chất gây nghiện của meth là do sự phóng thích nhanh gần như ngay lập tức chất dopamine tại não. Dopamine là một chất trung gian hóa học tạo ra các cảm giác sảng khoái.
METH tác động lên não bằng cách làm tăng nồng độ các catecholamine (ephinephrine, norepinephrine, dopamine và serotonin). Sự gia tăng này thông qua ba cơ chế: giải phóng chất dẫn truyền thần kinh, ngăn chặn tái hấp thu và làm chậm sự chuyển hóa. Không chỉ ngăn chặn tái hấp thu dopamine, mà còn làm đảo ngược các hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh dopamine (DAT), bơm chất dẫn truyền thần kinh ra khỏi sợi trục tế bào thần kinh mạnh hơn là tái hấp thu dopamine và dự trữ tại các túi tiếp hợp, làm ngừng hoạt động của dopamine tại các điểm tiếp nhận. Hiệu ứng cấp tính của METH là một tình trạng quá dư thừa catecholamine và serotonin, dẫn đến cảm giác kích thích và sảng khoái cao độ, làm tăng sự tỉnh táo, tăng tập trung chú ý, tăng động lực, tăng khí sắc, tăng năng lượng và giảm sự thèm ăn. Tác dụng tức thời của METH là tăng khả năng nhận thức. Các rối loạn tâm thần tức thời có thể bao gồm lo lắng, bồn chồn và mất ngủ. Chỉ trong vài ngày tiếp xúc với METH, thay đổi sinh hóa não do sử dụng mãn tính bắt đầu xuất hiện.
Sử dụng METH mãn tính là một cách tạo ra một trạng thái cạn kiệt nhanh chóng catecholamine và serotonin, gây mệt mỏi, trầm cảm, hôn mê và mất khoái cảm (anhedonia). Sử dụng METH mãn tính làm phá vỡ trầm trọng tính toàn vẹn của hệ thống thần kinh trung ương, tế bào thần kinh và hệ thống dẫn truyền thần kinh. Sự giảm chất dẫn truyền thần kinh dopamine liên quan trực tiếp đến sử dụng METH kéo dài. Tổn thương tế bào thần kinh chủ yếu do phá hủy dopamine ở đầu cuối sợi trục chứ không phải là phá hủy tế bào. Cơ chế của sự mất dopamine dường như do sự tái phân phối dopamine của METH từ môi trường nghèo synap vào môi trường oxy hóa tế bào chất của tế bào, tiếp tục sản sinh các gốc tự do và chất chuyển hóa phản ứng khác làm thiệt hại protein và màng tế bào.
METH làm thay đổi sinh hóa và cấu trúc não gây suy giảm chức năng nhận thức. Suy giảm nhận thức bao gồm suy giảm trí nhớ lời nói và trí nhớ hình ảnh, chức năng vận động, sự chú ý và chức năng điều hành đòi hỏi trừu tượng, thiết lập sự di chuyển và ức chế. Suy giảm nhận thức có xu hướng xấu đi ở giai đoạn đầu kiêng cữ với meth (5 - 14 ngày). Những thiếu sót trong sự chú ý chọn lọc đã được chứng minh là có cải thiện ở 2 tháng kiêng cữ, và việc cải thiện trí nhớ lời nói cần 3 - 14 tháng kiêng cữ. Sử dụng METH kéo dài tạo nên nguy cơ trầm cảm, mất khoái cảm, lo âu, hoang tưởng, ảo thanh và ảo thị.
METH thường sử dụng theo hình thức nuốt hoặc hít. METH dạng tinh thể trông giống như thủy tinh thường được gọi là "đá” và sử dụng theo cách hút. Khi hút hoặc tiêm, đá nhanh chóng tác dụng lên não và có nguy cơ gây nghiện cao. Ngày càng có nhiều bằng chứng hút METH dạng tinh thể có tác hại tâm lý và tiềm năng gây nghiện cao hơn các hình thức khác của METH. Ngoài ra, METH đôi khi được pha trộn với các loại ma túy khác và bán với tên gọi "thuốc lắc" (methylenedioxymethamphetamine - MDMA), một loại ma túy với tính chất gây ảo giác thường được sử dụng tại các câu lạc bộ và các tụ điểm vui chơi giải trí.
T.H