Kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và toàn xã hội trong việc phòng ngừa, kiềm chế sự gia tăng người nghiện ma túy mới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, đa dạng hóa các hình thức điều trị theo hướng tăng dần số người điều trị tại cộng đồng và khuyến khích tự nguyện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện.
Theo đó, phấn đấu trên 90% xã, phường, thị trấn được tuyên truyền về phòng, chống ma túy nói chung và cai nghiện nói riêng; tổ chức cai nghiện, điều trị nghiện từ 80 - 85% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý với các hình thức phù hợp (khoảng 30% người nghiện được cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng; khoảng 5 - 10% người nghiện được cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội; số người nghiện còn lại được tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone); 100% người đã hoàn thành cai nghiện tại Trung tâm được quản lý sau cai nghiện ma túy với các hình thức quản lý phù hợp; phấn đấu trên 50% số người cai nghiện ma túy có nhu cầu được tư vấn học nghề và đào tạo nghề; trên 50% số người nghiện ma túy có nhu cầu được tư vấn giới thiệu việc làm và tạo việc làm; 100% cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai ở Trung tâm và ở xã, phường, thị trấn được tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân; thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp và các đối tượng có nguy cơ cao như: học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên phạm pháp; xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình và bản thân người nghiện trong việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của nhà nước về cai nghiện phục hồi; phát động toàn dân phòng, chống ma túy, vận động người nghiện tự nguyện đăng ký các hình thức cai nghiện phù hợp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; thực hiện đa dạng hình thức huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình có người nghiện, cộng đồng cho công tác cai nghiện ma túy, lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác như giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, các giải pháp liên quan đến công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, rà soát các văn bản pháp quy về cai nghiện và quản lý sau cai của tỉnh đã ban hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động cai nghiện và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh…
TH