Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Từ xa xưa, cộng đồng cư dân Tây Nguyên đã biết thổi hồn và tiếp thêm sức sống cho cồng chiêng để những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió, tiếng lòng, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Đây là một loại hình sinh hoạt gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của con người từ lúc được sinh ra cho đến khi trở về với đất trời, với vũ trụ, thể hiện qua các lễ hội, nghệ thuật tạo hình, múa dân gian, ẩm thực dân gian… Người dân nơi đây có cồng chiêng để ứng xử với thiên nhiên, cầu xin, giãi bày với thần linh, tổ tiên, đối thoại với cộng đồng và với chính mình. Hiếm có nhạc khí nào, sinh hoạt văn hoá nào lại có nhiều vai trò đến vậy.
|
Theo nhịp cồng chiêng
|
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là đồng bào các dân tộc thiểu số: Bahnar, Xê đăng, M’nông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Jrai... Cư dân Tây Nguyên không tự đúc được cồng chiêng, nhưng với đôi tai và tâm hồn âm nhạc nhạy cảm họ đã nâng giá trị của một sản phẩm hàng hóa thành một nhạc cụ trình diễn tuyệt vời. Để chơi cồng chiêng, người Tây nguyên sử dụng hai phương pháp kích âm cơ bản là dùng dùi gõ và dùng nắm đấm. Thẩm mỹ của các tộc người vùng Bắc Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai là đều sử dùng dùi mềm, tạo hiệu quả âm thanh sắc nét, tròn ấm, vang rõ. Điều đặc biệt, cồng chiêng vốn là nhạc cụ đa âm, bên cạnh âm cơ bản bao giờ cũng vang kèm một vài âm phụ khác. Nếu một dàn 6 chiêng sẽ cho ta tối thiểu 12 âm hay nhiều hơn nữa. Điều đó lý giải tại sao âm sắc cồng chiêng nghe rất đầy đặn và có chiều sâu. Hơn thế, âm thanh cồng chiêng đạt đến một trình độ biểu cảm âm nhạc phù hợp với trạng thái, tình cảm của con người trong cuộc sống: Chiêng tang lễ hay bỏ mả thì chậm rãi, man mác buồn; chiêng mùa gặt thì thánh thót, vui tươi; chiêng đâm trâu thì nhịp điệu giục giã...
Ở các quốc gia khác, một người có thể đánh hàng chục cái chiêng, cả dàn chiêng nhưng trong tay các nghệ sĩ dân gian tài hoa ở Tây Nguyên, mỗi người chỉ đánh một chiêng. Và như thế dàn chiêng có bao nhiêu cái thì có bấy nhiêu người. Điều đó chứng tỏ tính âm nhạc phổ biến đến từng người và để thực hiện được một bài chiêng thì mỗi người tuy đánh một chiêng nhưng phải biết tất cả các chiêng khác đánh như thế nào. Cồng chiêng còn giữ vai trò là phương tiện để khẳng định cộng đồng và bản sắc văn hóa chung các dân tộc Tây Nguyên cũng như của từng tộc người. Mỗi dân tộc có một cách chơi chiêng khác nhau nhưng chỉ cần nghe tiếng chiêng là họ phân biệt được đó là dân tộc nào. Điều đặc biệt là Tây Nguyên có nhiều tộc người, nhưng họ luôn hoà hợp lẫn nhau trong văn hoá cồng chiêng mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá của dân tộc mình, không có hiện tượng loại trừ hay đồng hoá văn hoá của nhau trong sinh hoạt văn hoá cồng chiêng. Âm thanh cồng chiêng luôn đem đến những cảm xúc rạo rực khó tả khiến họ tìm đến nhau. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo.
Ngày 25/11/2005 Tổ chức UNESCO đã công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng vùng đất Tây Nguyên mà còn là niềm tự hào của nền văn hóa Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, tạo điều kiện để gìn giữ vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Đặc biệt, với sự kiện Festival cồng chiêng quốc tế đã thu hút sự quan tâm của du khách, bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội để những chủ nhân đích thực của không gian văn hoá này thể hiện niềm tự hào của mình trước cả nhân loại. Tại đây không có nhiều yếu tố cải biên như cồng chiêng ở các lễ hội khác mà những giá trị gốc, cổ truyền được tôn vinh.
Bạn hãy thử một lần đến Gia Lai trong mùa "ăn năm uống tháng" với bạt ngàn những vạt hoa dã quỳ vàng rực rung rinh. Trong khoảng thời gian này người ta tạm quên đi những vất vả của cuộc mưu sinh để trả nghĩa với thần linh, cha mẹ, giao tiếp với bạn bè, cùng uống vài căn rượu cần, nắm lấy tay những chàng trai cô gái da nâu mắt sáng, hòa mình vào điệu xoang bên ánh lửa bập bùng, chắc hẳn sẽ thật khó để ra về./.
Đào Đức Điệp