Công bố triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”
(VTR) - Ngày 28/5/2015, tại khách sạn Kim Đô TP. Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bộ (VHTTDL) tổ chức Hội nghị công bố, phổ biến và triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Hà Văn Siêu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng, cùng các vị đại biểu đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, lãnh đạo và đại diện Sở VHTTDL các tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam Bộ và các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin về hội nghị.
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh lân cận: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, với diện tích tự nhiên 23.597,9km2. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" ngày 24/12/2014), TP. Hồ Chí Minh chính là trung tâm du lịch của toàn vùng miền Đông Nam Bộ, không gian phát triển du lịch biển đảo là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không gian du lịch đô thị - sinh thái tại các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, không gian phát triển du lịch di tích lịch sử văn hóa và du lịch sinh thái tại các tỉnh Bình Phước và Tây Ninh. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển 4 khu du lịch quốc gia, bao gồm: Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Long Hải - Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Núi Bà Đen (Tây Ninh) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); 5 điểm du lịch quốc gia là: Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Hồ Trị An - Mã Đà (Đồng Nai), Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh) và Tà Thiết (Bình Phước).
Định hướng của Quy hoạch là tập trung phát triển chủ yếu vào liên kết phát triển sản phẩm đặc trưng Vùng và xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Vùng. Các nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; về huy động vốn đầu tư; về xúc tiến, quảng bá; về tổ chức quản lý quy hoạch; về ứng dụng khoa học, công nghệ; về hợp tác quốc tế; về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch và nhóm giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu... Quy hoạch cũng nêu rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể phát triển du lịch của mỗi Vùng trong mối tương quan chung và thực hiện theo quan điểm mục tiêu phát triển du lịch đã được chỉ ra trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch hội nghị, hội thảo và du lịch nghỉ dưỡng biển. Song song đó, phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ như: Du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch khám phá, nghiên cứu khoa học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn; du lịch lễ hội và tâm linh; du lịch tàu biển…
Về thị trường, phát triển đồng thời thị trường khách du lịch nội địa và thị trường khách du lịch quốc tế. Trong đó, với thị trường khách du lịch quốc tế, tập trung khai thác mạnh thị trường chính như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Đông Âu; duy trì khai thác thị trường truyền thống cao cấp như: Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Australia; mở rộng thị trường mới: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đến từ khu vực Trung Đông... Với thị trường khách du lịch nội địa, tập trung khai thác khách du lịch nội Vùng; phát triển thị trường khách du lịch đến từ các vùng liền kề như: Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và khách đến từ thủ đô Hà Nội; trong đó chú trọng thị trường khách du lịch với mục đích nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, nghỉ cuối tuần và du lịch mua sắm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên nêu quan điểm định hướng phát triển du lịch vùng, tập trung phát triển thị trường khách du lịch; đẩy mạnh phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; chú trọng phân đoạn thị trường khách có mục đích du lịch thuần túy, nghỉ dưỡng, lưu trú dài ngày và chi tiêu cao; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và bổ trợ địa phương; tổ chức không gian du lịch các khu, tuyến điểm, đô thị du lịch; Đầu tư phát triển du lịch và Tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch, ngành du lịch vùng Đông Nam Bộ, phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng kinh tế du lịch lớn nhất cả nước và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của vùng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của vùng. Nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2020 thu hút được trên 30 triệu lượt khách; năm 2030 đón khoảng 50 triệu lượt khách, trong đó đạt khoảng 12 triệu lượt khách quốc tế.
T.H