
Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những tác phẩm tinh túy từ vô số các trước tác của các vị Hoàng đế triều Nguyễn. Trước đó, di sản tư liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được ghi danh vào Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và được công bố tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP) tại thành phố Huế vào tháng 5 vừa qua.
Đến thời điểm này, Huế thực sự đã trở thành “Một điểm đến, 5 di sản”, với các di sản đã được UNESCO và tổ chức của UNESCO công nhận trước đó gồm: quần thể di tích cố đô Huế (1993), nhã nhạc cung đình Huế (2003), mộc bản triều Nguyễn (2009), châu bản triều Nguyễn (2014) và hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Việc UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới và khu vực cho các di sản của Huế đã trở thành sự kiện quan trọng để Thừa Thiên - Huế mở rộng giao lưu, hợp tác, quảng bá văn hóa với các nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá cao các nỗ lực của Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trong công tác nghiên cứu, phát hiện, xây dựng hồ sơ và bảo vệ hồ sơ các di sản, cũng như trong công tác bảo tồn, quản lý, quảng bá và phát huy giá trị các di sản của Việt Nam, khu vực và thế giới đang hiện hữu tại Huế; đồng thời, khẳng định Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng Thừa Thiên - Huế trong các nỗ lực nói trên cũng như trong công tác đáp ứng các chuẩn mực quốc tế đối với các di sản được UNESCO công nhận nói riêng và di sản nói chung nhằm bảo tồn, giữ gìn các di sản vô giá của dân tộc cho các thế hệ mai sau.
M.H