Theo báo cáo, tỷ lệ sử dụng ma túy trên toàn cầu không có nhiều thay đổi với khoảng 243 triệu người – tương đương với 5% dân số thế giới ở độ tuổi từ 15 - 64 đã từng sử dụng các chất ma túy trái phép trong năm qua; trong đó, số người lệ thuộc ma túy chiếm khoảng 27 triệu người, xấp xỉ 0,6% dân số trưởng thành trên toàn cầu. Các nước thành viên của UNODC, số người tiêm chích ma túy hiện là 12,7 triệu người, tương ứng với tỷ lệ 0,27% đối với dân số trong độ tuổi 15 - 64, số người tiêm ma túy chung sống với HIV là 1,7 triệu người.
Đây là những con số đáng báo động, trong khi các chất kích thần mới, tiền chất bất hợp pháp vẫn được bán khá công khai và đang hình thành “mạng đen” trên internet. Một loạt tiền chất mới chưa được quản lý đã xuất hiện thay thế các tiền chất bị quản lý để sản xuất ma túy tổng hợp như Methamphetamine. Điều này tạo ra những thách thức mới cho hệ thống kiểm soát ma túy quốc tế.
Việc sử dụng Methamphetamine tiếp tục gia tăng tại hầu hết các quốc gia thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Trong 3 năm qua, lượng Methamphetamine bị thu giữ đã tăng hơn 2 lần trên phạm vi toàn cầu. Hoạt động sản xuất Methamphetamine được mở rộng tại Bắc Mỹ. Trong 144 tấn chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) bị thu giữ trên thế giới, một nửa được thu giữ tại Bắc Mỹ và ¼ tại Đông Á và Đông Bắc Á. Từ năm 2009 đến 2013, số lượng các chất kích thần không được quản lý trên thị trường thế giới đã tăng hơn hai lần.
Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á tiếp tục là nguồn cung cấp các tiền chất Pseudoephedrine và Ephedrine sử dụng phi pháp vào việc sản xuất methamphetamine trong khu vực và các khu vực khác trên thế giới.
Tại Việt Nam, các vụ bắt giữ liên quan đến ma túy tiếp tục tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan chức năng đã phát hiện 10.256 vụ và bắt giữ 15.298 đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy, có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2013; tổng lượng thuốc phiện bị thu giữ là 14,1kg giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2013; lượng cần sa bị thu giữ có sự gia tăng với khoảng 113kg cần sa khô và 796kg cần sa tươi so với 332kg cần sa khô và 226kg cần sa tươi của cả năm 2013. Tuy nhiên, những con số này vẫn thấp hơn nhiều lần so với 7,5 tấn cần sa bị thu giữ trong năm 2011.
Về lượng heroin bị thu giữ tại nước ta, trong 6 tháng đầu năm 2014, khoảng 479kg heroin bị thu giữ so với 466kg cùng kỳ năm 2013. UNODC cũng cho biết, phần lớn lượng heroin được buôn lậu vào Việt Nam có nguồn gốc từ Myanmar, thông qua Lào. Ngoài ra, các đường dây buôn bán ma túy từ Tây Phi tiếp tục sử dụng những người buôn ma túy qua đường hàng không để buôn lậu heroin cũng như cocain và các chất ma túy khác từ Tây Nam Á vào Việt Nam.
UNODC đề nghị các quốc gia phải cảnh giác hơn “giám sát các luồng hóa chất toàn cầu có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hoạt động buôn lậu và sản xuất các loại ma túy tổng hợp đang gia tăng và nằm ngoài khả năng kiểm soát bằng các biện pháp giảm cung truyền thống”.
PV