Dữ liệu trong báo cáo được dựa trên dữ liệu thống kê, kết quả các cuộc khảo sát, điều tra khách du lịch của Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Du lịch và các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, các cán bộ của Tổng cục Du lịch cùng chuyên gia thống kê của Dự án EU-ESRT xây dựng thí điểm "Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2014” gồm 7 chương, cung cấp cho tất cả các bên liên quan về những hoạt động chính của ngành Du lịch trong năm 2014 (hoạt động lữ hành, lưu trú, vận chuyển, marketing và xúc tiến du lịch).
Đây là lần đầu tiên ngành Du lịch Việt Nam có một tài liệu tổng hợp được xây dựng theo kinh nghiệm quốc tế, giúp đánh giá được những tác động kinh tế và xã hội của du lịch để quản lý và phát triển du lịch một cách bền vững.
Mục đích của “Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam” là xác định đóng góp kinh tế của du lịch đối với nền kinh tế quốc dân, bao gồm cả đóng góp trực tiếp (là "giá trị gia tăng" từ chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam hoặc chi tiêu của công ty lữ hành thay mặt họ) và đóng góp gián tiếp (là "giá trị gia tăng” do nhà cung cấp thứ cấp như nhà máy bia, nước uống cung cấp đồ uống cho khách sạn…) mang lại. Điểm khác biệt trong Báo cáo này là đã sử dụng con số "giá trị gia tăng” (xuất phát từ chi tiêu của khách du lịch) để đo lường sự đóng góp về kinh tế của du lịch. Đây là một thước đo đòi hỏi khắt khe nhiều hơn so với các tiêu chí như chi tiêu và tổng thu du lịch.
“Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam” sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp các thông tin hữu ích; hỗ trợ tích cực cho các nhà quản lý, các nhà đầu tư du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch và các bên liên quan trong việc lập kế hoạch và xây dựng chiến lược.
Bản tiếng Anh và tiếng Việt của “Báo cáo Thường niên Du lịch Việt Nam 2014” có tại địa chỉ: http://bit.ly/baocaothuongniendulich2014
Khánh Hưng