(VTR) - Vùng duyên hải Đông Bắc sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nhiều di tích văn hóa lịch sử rất giá trị, đặc biệt là hệ thống di tích gắn với triều đại nhà Trần - một trong những triều đại hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc ta. Nắm bắt lợi thế này, Tổng cục Du lịch vừa phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức chương trình khảo sát và tọa đàm con đường du lịch tâm linh vùng duyên hải Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần.
Con đường du lịch tâm linh
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi tọa đàm
Chương trình khảo sát con đường du lịch tâm linh vùng duyên hải Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần (6 ngày 5 đêm) thu hút sự tham gia của 70 thành viên đến từ các đơn vị quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành ba miền Bắc – Trung – Nam và cơ quan thông tấn báo chí. Tham gia chương trình này, các thành viên có cơ hội đến với nhiều địa danh tiêu biểu của tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Tại Hải Dương, đoàn dừng chân ở Côn Sơn, Kiếp Bạc (nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm (nơi đào tạo tăng tài lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm thế kỷ 14), đồn Cao. Tại Quảng Ninh, đoàn khảo sát Yên Tử, chùa Đồng, chùa Ba Vàng (ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Việt Nam), bãi cọc Bạch Đằng, đền thờ Trần Hưng Đạo, bảo tàng Quảng Ninh, đền Cửa Ông, đền Cửa Suốt, thiền viện Trúc Lâm Cái Bầu, Cô Tô… Mỗi địa danh đều mang một giá trị riêng, nhưng đã gắn kết với nhau tạo nên một hành trình hấp dẫn, giúp các thành viên có được những hình dung rõ ràng, cụ thể hơn về triều đại nhà Trần, từ đó khơi gợi niềm tự hào và tình yêu đối với các bậc tiền nhân, đối với lịch sử dân tộc.
Chia sẻ suy nghĩ về chuyến đi, đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành và cơ quan thông tấn báo chí cho biết, chương trình khảo sát này thực sự hữu ích, đem lại cái nhìn đầy đủ hơn về Du lịch Hải Dương và Quảng Ninh, trong đó nổi bật là các điểm du lịch tâm linh gắn với triều đại nhà Trần. Ông Nguyễn Văn Tấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH JTB - TNT cho rằng: “Chương trình khảo sát này rất thiết thực với các doanh nghiệp. Các địa phương đã có sự đầu tư cho các di tích văn hóa lịch sử, xoáy vào việc nâng giá trị đích thực của điểm đến, mặt bằng dịch vụ, vấn đề vệ sinh cũng có sự cải thiện khá rõ rệt. Tôi nghĩ nếu thiết kế thành các tour sẽ được nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa lựa chọn”.
Xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ du khách
Đoàn khảo sát tham quan đền Kiếp Bạc, Hải Dương
Đoàn khảo sát đã có các cuộc tọa đàm với lãnh đạo huyện Đông Triều, TP. Uông Bí, huyện Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô. Trong đó, trọng tâm là Tọa đàm con đường du lịch tâm linh vùng duyên hải Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần diễn ra tại khu du lịch Tuần Châu vào ngày 27/8/2014. Đây là một trong những hoạt động tiếp nối tinh thần Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững tại Ninh Bình vào tháng 11/2013. Tọa đàm hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh gắn với triều đại nhà Trần đưa vào phục vụ du khách.
Đoàn khảo sát tham quan bảo tàng Quảng Ninh
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan thông tấn báo chí đánh giá cao sức hút của loại hình du lịch tâm linh vùng duyên hải Đông Bắc; đồng thời, khẳng định vùng đất này không chỉ có lợi thế về du lịch biển đảo, du lịch sinh thái mà còn có thể đẩy mạnh khai thác du lịch văn hóa, du lịch tâm linh trong đó nổi bật là con đường du lịch tâm linh gắn với triều đại nhà Trần. Tuy nhiên, để du khách đến Quảng Ninh không chỉ đến vịnh Hạ Long và Yên Tử, để du khách đến với con đường du lịch tâm linh không chỉ trong mùa lễ hội, các địa phương cần đầu tư thỏa đáng cho hệ thống cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên và xây dựng nội dung thuyết minh đạt chuẩn, xây dựng biểu tượng, khẩu hiệu riêng cho tuyến du lịch tâm linh này… Một số doanh nghiệp lữ hành như Vietravel, JTB - TNT, Lửa Việt, Fiditour… cho biết, sau chuyến khảo sát và tọa đàm này, họ sẽ chọn lựa các điểm đến phù hợp của vùng duyên hải Đông Bắc để thiết kế tour, tuyến đưa vào phục vụ du khách.
Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh
Phát biểu kết luận tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, trong thời gian tới cần định vị thương hiệu sản phẩm du lịch tâm linh vùng Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần và tạo ra một chuỗi sản phẩm đồng bộ, chất lượng, có khả năng thu hút nhiều đối tượng khách khác nhau, mang đến những trải nghiệm phong phú cho du khách; đầu tư quản lý vệ sinh môi trường, trong đó chú trọng xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn; tăng cường liên kết giữa các địa phương nhằm hình thành chuỗi sản phẩm đồng bộ; có chính sách ưu đãi đối với các công ty lữ hành (chẳng hạn Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm cam kết sẽ hỗ trợ 30-50% giá cáp treo cho các công ty lữ hành đưa khách đến Yên Tử); quan tâm khai thác mùa thấp điểm; thiết kế các chương trình du lịch lồng ghép giữa du lịch tâm linh với du lịch sinh thái, du lịch biển đảo… Để con đường du lịch tâm linh vùng duyên hải Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần thu hút được nhiều du khách, bên cạnh sự nỗ lực cải thiện của các địa phương, rất cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước và sự tuyên truyền sâu rộng của các cơ quan thông tấn báo chí. Ngành Du lịch sẽ định vị sản phẩm du lịch tâm linh vùng Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần, in ấn sơ đồ của tuyến du lịch này để giới thiệu tới du khách.
Bãi biển Hồng Vàn - Cô Tô
Chương trình khảo sát và tọa đàm con đường du lịch tâm linh vùng duyên hải Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần là một trong những hoạt động nhằm kích cầu du lịch nội địa, khuyến khích người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch.
Phương Thảo