Trước nhu cầu liên kết nhằm tạo một sân chơi chung của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ để cùng hợp tác, phát triển sản phẩm, năm 2009 – một mô hình liên kết doanh nghiệp du lịch đầu tiên trong cả nước ra đời với tên gọi CLB Lữ hành Hà Nội. Ban chấp hành là lãnh đạo các doanh nghiệp trẻ, nhiệt tình, năng động, do hội viên bầu ra. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, CLB đã chứng tỏ vai trò gắn kết, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành và những người làm kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hoạt động tự nguyện nhưng có đầy đủ tôn chỉ, mục đích và điều lệ.
Từ chỗ chỉ có 30 doanh nghiệp với gần 200 hội viên những ngày đầu thành lập, sau 3 năm đi vào hoạt động số hội viên CLB đã lên tới con số gần 1.000. Đặc biệt hơn, phạm vi CLB không còn giới hạn trên địa bàn Hà Nội mà đã “phủ” tới 3 miền đất nước. Trước thực tế này, đòi hỏi mô hình CLB phải phát triển bài bản và chính danh.
Chính vì thế, sau khi thống nhất ý kiến hội viên, được sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, năm 2012 CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội (trực thuộc Hiệp hội UNESCO Hà Nội) chính thức ra đời.
Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB cho biết, CLB đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như đẩy mạnh gắn kết hội viên thông qua các chương trình giao lưu, hợp tác, phát huy các thế mạnh sẵn có của doanh nghiệp hội viên nhằm khơi dậy tiềm năng của các doanh nghiệp. Từ đó, kết nối với các điểm đến, khu du lịch để các doanh nghiệp có thể trực tiếp xây dựng thành sản phẩm du lịch cụ thể. Tổ chức các hoạt động như phát triển thị trường trong và ngoài nước, khảo sát xây dựng sản phẩm để hỗ trợ thành viên và phát huy tinh thần tương trợ giữa các thành viên nhằm phát triển kinh doanh có hiệu quả, đúng pháp luật. Tạo điều kiện mở rộng kinh doanh cho các thành viên bằng các hoạt động khảo sát xây dựng sản phẩm, phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Hàng loạt chương trình khảo sát điểm đến, xúc tiến quảng bá du lịch đã được CLB triển khai như khảo sát du lịch Tây Bắc,Thanh Hóa, Hà Giang, Mộc Châu, Hải Dương, Phong Nha-Kẻ Bàng; đồng bằng Sông Cửu Long; các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng như các chương trình khảo sát ở nước ngoài như Côn Minh-Thổ Lâm (Trung Quốc), Myanmar … được tiến hành với sự tham gia của đông đảo hội viên.
Bên cạnh đó, tham gia các chương trình do Tổng cục Du lịch, Sở VHTTDL phát động, như đóng góp ý kiến vào các hội thảo nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tổ chức các chương trình văn nghệ đặc sắc quảng bá văn hóa của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến; tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cũng như công tác quản lý cho các doanh nghiệp hội viên nhằm nâng cao kiến thức và năng lực kinh doanh.
“CLB là nơi để hội viên chia sẻ kinh nghiệm, khách hàng, đối tác, ngoài ra cũng là nơi hỗ trợ nhau theo đúng tôn chỉ mục đích đề ra. Bên cạnh đó, là thành viên trực thuộc Hiệp hội UNESCO Hà Nội, CLB còn tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân theo khuôn khổ điều lệ, để kết nối tiếng nói của tổ chức nghề nghiệp với người dân”, ông Hùng chia sẻ.
Năm 2019, HUTC sẽ tích cực tham gia các hoạt động của Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội và các Sở ban ngành. Đặc biệt hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tôn vinh danh hiệu “Doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu” nhân ngày Văn hóa doanh nghiệp 2019, tổ chức các sự kiện doanh nghiệp du lịch ba miền bên lề Hội chợ VITM, Hội chợ ITE và nhiều sự kiện khác.
Có thể nói, 10 năm là một chặng đường không quá dài, nhưng HUTC đã khẳng định hành trình đầy tự hào với nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Du lịch Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình, BTC đã tổ chức Business Matching – Networkings cho 25 đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước và quốc tế với hội viên CLB nhằm kết nối B2B giữa các doanh nghiệp, tạo thêm cầu nối cho các đơn vị cùng nhau phát triển. Đây là một hoạt động có ý nghĩa và được mong chờ từ tất cả các doanh nghiệp là thành viên của CLB Unesco.
Tại sự kiện, HUTC đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến du lịch với Trung tâm xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch Hà Nội với một số nội dung như: trao đổi thông tin du lịch, tài liệu ấn phẩm quảng bá và số liệu thống kê du lịch; liên kết các doanh nghiệp du lịch trong nước, quốc tế thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm ; cùng nhau liên kết, phối hợp giới thiệu điểm đến, quảng bá xúc tiến các sản phẩm, dịch vụ du lịch qua các cuộc khảo sát tuyến điểm, famtrip...; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch và lữ hành tổ chức các chương trình du lịch với giá ưu đãi; tổ chức cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và báo chí đi khảo sát các địa điểm có dự án kêu gọi đầu tư du lịch…
|
Nguyễn Hùng