Chuyện rằng, thời vua Hùng thứ 6, sau khi dẹp giặc Ân, nhân dịp năm mới đức vua đã cho mở hội thi làm những món ăn ngon. Nhờ tài đức, hoàng tử Lang Liêu, người con thứ 18 của vua Hùng đã chiến thắng bằng hai thứ bánh chưng và bánh giầy, nhân làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt, bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho mặt đất và bánh giầy có hình tròn tượng trưng cho bầu trời. Công chúa út Mỵ Hương học cách Lang Liêu cũng thử làm một loại bánh. Nàng lấy chiếc bánh giầy bọc nhân bánh chưng và gói lá, dâng lên vua cha. Vua Hùng khen ngon, đã gọi yêu thứ bánh này là bánh của con gái út ít. Chữ “ít” là đọc chệch của “út ít” mà ra. Bánh ít lá gai sau đó đã nhanh chóng phổ biến dân dã và tùy từng vùng mà nảy sinh nhiều biến thể, có các loại nhân khác nhau vì vậy đã có câu ca dao: Bánh thật nhiều sao kêu bánh ít/ Trầu có đầy sao gọi trầu không?
Do hình dạng của một số tháp Chàm ở Bình Định giống với bánh ít nên từ lâu người dân Bình Định đã đặt tên bánh cho một quần thể bốn ngọn tháp Chàm xây dựng vào cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12 ở Tuy Phước là tháp Bánh Ít.
Bánh ít lá gai đã đi vào trong mọi hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, vui chơi của làng quê Bình Định. Mỗi khi giỗ tết, trên mâm cỗ cúng tổ tiên người dân Bình Định bao giờ cũng sắp một đôi bánh ít. Sau tuần hương, mọi người hạ bánh xuống thụ lộc. Chiếc bánh được bóc tách lần lượt, được cắt ra để chung vui. Theo phong tục, cô dâu khi mới về nhà chồng trong ba ngày cưới phải tự tay làm một vài chiếc bánh ít lá gai đem biếu cha mẹ chồng và họ hàng thể hiện tấm lòng thơm thảo.
Để làm bánh ít lá gai, nguyên liệu cần có gạo nếp, lá gai, đường, đậu xanh và lá chuối, ở một số nơi còn dùng gừng, quế và vani… Nếp làm bánh là loại nếp thật thơm, nhiều sữa, đem vo để ráo nước rồi xay nhuyễn. Lá gai luộc chín cắt nhỏ bỏ vào cối giã nát, vắt khô trộn với bột nếp dẻo vừa xay, đem đi giã tiếp thật mịn.
Đậu xanh ngâm, đãi, đồ làm nhân bánh. Dừa nạo sợi xào trộn với đường và đậu xanh vừa hấp, trong khi làm luôn phải giữ lửa nhỏ để nhân không bị cháy, và giúp cho đậu xanh, dừa quện sánh vàng đậm, thơm ngát. Múc đậu dừa ra bát để nguội, vo thành từng viên nhỏ. Xắn một miếng bột, đặt nhân vào giữa nặn thành khối, gói lá chuối và vo cho có hình tháp (hình tam giác đều) rồi xếp vào sàng hấp khoảng một giờ. Bánh “ra lò” có lớp vỏ xanh non của lá chuối, lớp cơm đen tuyền của lá gai và lớp vàng đượm của nhân đậu, vị ngọt dịu của đường, tinh bột, đậu xanh, lá gai, lá chuối, vị cay của gừng, vị bùi ngậy của dầu đậu nành… thật hấp dẫn.
Bánh ít lá gai ăn ngay là ngon nhất. Tuy nhiên, bánh có thể để lâu trong một tuần mà vẫn giữ nguyên hương vị.
Bài và ảnh: CHU MẠNH CƯỜNG